Bác chủ tịch trốn vợ đi vào tâm dịch Bắc Giang làm tài xế tình nguyện: 'Các con ở nhà động viên mẹ thay bố nhé!'


                                    Bác chủ tịch trốn vợ đi vào tâm dịch Bắc Giang làm tài xế tình nguyện: 'Các con ở nhà động viên mẹ thay bố nhé!'

7h sáng 3/6, chú Phạm Văn Mẫn, 67 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội lên xe ô tô, thay vì đến cơ quan như thường ngày, hai tiếng sau đã có mặt tại Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, bắt đầu chuỗi ngày "trốn vợ đi chống dịch".

Chi viện Bắc Giang, nữ bác sĩ gặp được "bác lái xe" tốt bụng

Nguyễn Thị Lâm Oanh, 23 tuổi, sau tốt nghiệp chuyên ngành Xét nghiệm, Đại học Y Dược Hải Phòng, đã về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec Hà Nội. Oanh là một trong 17 y bác sĩ được Sở Y tế Hà Nội cử về Bắc Giang, vận hành Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) lớn nhất cả nước.

Trước đó, để kịp thời cứu chữa các ca Covid-19 nặng, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Trung tâm ICU, đặt tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang. Hàng trăm y bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực từ khắp các tỉnh thành đã được huy động "chi viện".

Ngày 1/6, Oanh cùng đồng nghiệp nhận được thông tin tăng cường từ Sở Y tế Hà Nội. Cô đăng ký tình nguyện và chờ đợi trong tâm thế hồi hộp. Chiều cùng ngày, Sở chính thức phê duyệt, đồng ý cho Oanh được tham gia đoàn hỗ trợ tỉnh bạn.

Bác chủ tịch trốn vợ đi vào tâm dịch Bắc Giang làm tài xế tình nguyện: Các con ở nhà động viên mẹ thay bố nhé! - Ảnh 1.

Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) lớn nhất cả nước được thiết lập tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang, chuyên thu dung điều trị các ca Covid-19 nặng

Trưa 2/6, đoàn y bác sĩ Hà Nội lên đường, chịu trách nhiệm vận hành phòng xét nghiệm, kịp thời hỗ trợ chẩn đoán và điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng. "Thật sự, mình rất tự hào, vì cuối cùng một cá nhân nhỏ bé như mình đã có cơ hội cống hiến khi Tổ Quốc gọi tên", Oanh nói.

Nữ bác sĩ trẻ nghĩ nhiều về Bắc Giang, về những con người trong "tâm dịch". Covid-19 khiến hàng trăm nghìn người dân rơi vào cảnh không việc làm, xa gia đình. Các y bác sĩ và sinh viên tình nguyện, đội nắng nóng, căng mình lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân. Oanh nghĩ "không lúc này thì còn lúc nào nữa. Mình còn trẻ, phải lên đường thôi!".

Bố mẹ khi hay tin con gái đi Bắc Giang chống dịch thì lo lắng "mất ăn, mất ngủ". Oanh động viên, nói "con đi lần này để nhiều người khác có cơ hội trở về với gia đình".

Khi đoàn tăng cường của Hà Nội xuống Bắc Giang, Trung tâm ICU vẫn chưa được hoàn thiện. Phòng xét nghiệm lúc đó chưa có máy móc. Oanh cùng đồng nghiệp thảo luận với các bác sĩ trực tiếp điều trị về những yêu cầu tối thiểu cần có, từ đó "xây dựng" phòng thí nghiệm hoàn chỉnh nhất, có thể vận hành ổn định trước khi đón bệnh nhân.

16h ngày 4/6, Trung tâm ICU chính thức đi vào hoạt động, sớm hơn dự kiến 1 ngày. Hôm sau, Trung tâm tiếp nhận 6 ca bệnh nặng đầu tiên, được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Thời tiết những ngày gần đây dịu hơn, giúp công việc của nhân viên y tế cũng dễ dàng. Các nam bác sĩ trong đoàn của Oanh đều đã cạo trọc hoặc cắt đầu đinh. "Trời nắng nóng, đồ bảo hộ quá kín, mồ hôi chảy ra không thoát được. Nếu để tóc dài rất dễ bị nấm, ngứa. Nhìn các anh cắt tóc, mình vừa thấy buồn cười mà lại vừa thương", Oanh kể.

Nữ bác sĩ chia sẻ, khó khăn nhất, có lẽ là nỗi lo của chính mình về tình hình dịch bệnh. Oanh xác định tâm lý "không biết ngày trở về".

Bác chủ tịch trốn vợ đi vào tâm dịch Bắc Giang làm tài xế tình nguyện: Các con ở nhà động viên mẹ thay bố nhé! - Ảnh 2.

Đoàn y bác sĩ thể hiện quyết tâm trước khi điều trị các bệnh nhân Covid-19

Bác chủ tịch trốn vợ đi vào tâm dịch Bắc Giang làm tài xế tình nguyện: Các con ở nhà động viên mẹ thay bố nhé! - Ảnh 3.

Một ca hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng

Oanh gặp chú Phạm Văn Mẫn, 67 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội, trong một lần chú đón đoàn y bác sĩ Hà Nội từ Sở Y tế Bắc Giang về khách sạn. Do tính chất công việc, Oanh thường ở lại Trung tâm ICU đến hơn 8 rưỡi tối mới nghỉ, trong khi đồng đội đã về từ trước đó. Anh trưởng đoàn cho cô số điện thoại chú Mẫn để tiện liên lạc. Từ đó, chú trở thành "tài xế riêng" của cô.

"Mặc dù phải đưa đón nhiều đoàn nhưng chú vẫn cố gắng đến đón sớm nhất có thể. Từ khách sạn đến bệnh viện rất xa, hoạt động vận tải ở Bắc Giang đã tạm dừng. Nếu không có những tài xế như chú, chúng mình không biết đến bệnh viện bằng cách nào", Oanh nói.

Có lần chuẩn bị ăn cơm, nhận được điện thoại của Oanh, chú Mẫn đành bỏ dở, phi xe thẳng đến bệnh viện. Cô hỏi: "Sao chú không ăn rồi xuống đón cháu sau, cũng muộn rồi mà". Chú đáp, "Cháu cũng đã ăn đâu". Nữ bác sĩ trẻ rất xúc động.

Chủ tịch "trốn vợ" một mình vào tâm dịch

Chú Mẫn rất tình cảm, quan tâm mọi người. Mỗi lần đón đoàn, chú đều hỏi han sức khoẻ, hoặc mua nước cam, nhắc nhở cả đoàn ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ. Một nữ điều dưỡng sau tiêm vaccine Covid-19 bị dị ứng phải nằm viện, chú Mẫn hỏi han khắp nơi, từ Sở Y tế đến Giám đốc bệnh viện, chỉ để được xin vào đưa cháo cho điều dưỡng.

"Chú như người cha của bọn mình vậy", Oanh cảm động.

Bác chủ tịch trốn vợ đi vào tâm dịch Bắc Giang làm tài xế tình nguyện: Các con ở nhà động viên mẹ thay bố nhé! - Ảnh 4.

Chú Phạm Văn Mẫn, 67 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội, trốn vợ vào tâm dịch Bắc Giang làm nhiệm vụ đưa đón các y bác sĩ

Nhiều lần tâm sự, Oanh rất bất ngờ khi biết chú Mẫn là Chủ tịch một tập đoàn viễn thông lớn, đã bàn giao 90% công việc cho Tổng Giám đốc, mua 3 chiếc xe ô tô trị giá hơn 2 tỷ, lao vào tâm dịch vận chuyển các đoàn y bác sĩ.

Chú kể, năm ngoái, miền Trung lũ lụt, chỉ có thể ủng hộ từ xa. Chú thấy không ổn, không trực tiếp đến tận nơi, không thể biết dân mình khổ thế nào, chống lũ ra sao. Bởi thế lần này, khi Covid-19 "tấn công" Bắc Giang, chú xung phong vào "tiền tuyến" không chút do dự.

Trước đó, tối 28/5, chú Mẫn giấu gia đình, viết đơn xin lên Bắc Giang hỗ trợ chống dịch. Trong đơn gửi Bộ Y tế và tỉnh Bắc Giang, có đoạn chú viết, "Hình ảnh các cháu nhỏ mới một tuổi chưa biết tự ăn đã phải xa bố mẹ đi cách ly. Cảnh người già, cựu chiến binh ngày đêm trực chốt tại điểm nóng của tâm dịch, cảnh bộ đội, công an tổ chức cứu trợ, bác sĩ không ngại hiểm nguy cứu người khiến người đàn ông đủ sức khỏe, tinh thần chiến đấu như tôi rất băn khoăn".

Chú thậm chí dành 2 tuần rèn luyện thể lực bằng cách đi bộ giữa trưa dưới thời tiết 39 độ để tập thích nghi lúc mặc đồ bảo hộ.

Đêm 2/6, chú Mẫn nhận tin "được thông qua". Chờ vợ là bà Nguyễn Như Hoa ngủ say, chú khẽ bật bóng đèn nhỏ trong phòng, gấp quần áo, chuẩn bị tư trang cá nhân gọn ghẽ nhất rồi cất sẵn dưới ô tô.

7h sáng 3/6, chú Mẫn lên xe ô tô, thay vì đến cơ quan như thường ngày, hai tiếng sau đã có mặt tại Sở Y tế tỉnh Bắc Giang. Chiều hôm đó, chú nhận lệnh đưa đón các nhân viên y tế điều trị F0 tại các bệnh viện dã chiến và Trung tâm ICU.

Ngày đầu tiên tham gia chống dịch, do chưa quen đường sá, chú phải mở bản đồ trên điện thoại, nhiều đoạn không xác định được vị trí lại hỏi thăm người dân để "đón khách đúng hẹn". Từ đó, số điện thoại của chú Mẫn thành hotline của các nhân viên y tế. Mỗi ngày, chú chạy vài chục cuốc xe, cứ hễ điện thoại "nổ số" là lên đường.

Bác chủ tịch trốn vợ đi vào tâm dịch Bắc Giang làm tài xế tình nguyện: Các con ở nhà động viên mẹ thay bố nhé! - Ảnh 5.

Chú Mẫn hiện là Chủ tịch một tập đoàn viễn thông lớn

Chú Mẫn (áo đen) chụp ảnh cùng các nhân viên y tế tại Bắc Giang

Tan làm sau một ngày vất vả, chú Mẫn quyết định gọi điện thoại về nhà báo tin cho vợ "đang cùng mấy anh em lên tâm dịch hỗ trợ dịch vụ viễn thông vài ngày. Mọi người cứ an tâm". Bà Hoa nghi ngờ, đến công ty chồng mới biết không hề có lịch công tác ở Bắc Giang, công việc ông đã giao hết cho nhân viên để "một mình trốn đi Bắc Giang chống dịch".

Bà Hoa lặng người nhớ lại những lần chồng "bóng gió", đại loại như "tình hình tâm dịch căng thẳng quá, có khi phải lên hỗ trợ mọi người chống dịch".

Cô con gái ngay lập tức gọi điện cho bố, bất lực nói: "Bố về đi! Bố nhiều tuổi rồi đi thế này chúng con không yên tâm. Mẹ biết rồi đấy!". Đáp lại, ông chỉ biết trấn an: "Tính bố con biết rồi, cái gì đã quyết là bố sẽ làm. Ở nhà không giúp được cho mọi người bố còn day dứt, khó chịu hơn. Bố vẫn khoẻ, sức khoẻ tốt, các con ở nhà động viên mẹ thay bố".

Nhận công việc vận chuyển các bác sĩ đến nơi điều trị, công việc của chú Mẫn bắt đầu từ 5h sáng đến 1 - 2 giờ sáng hôm sau. "Chẳng là gì so với việc các y bác sĩ phải làm việc liên tục suốt 12 tiếng, có những nhân viên y tế nặng chưa đến 40kg, lọt thỏm trong bộ quần áo bảo hộ và chẳng thiếu những trường hợp ngất vì kiệt sức", chú Mẫn nói mọi người vất vả 10, chắc chú được một phần.

Mỗi ngày, "ông Chủ tịch" đều tranh thủ lúc rảnh gọi điện về công ty giải quyết công việc. Chú không mệt, ngược lại còn phấn chấn hơn gấp bội vì được làm việc theo cái tâm của mình.

"Còn dịch là tôi còn làm, tôi muốn hỗ trợ, được đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc chống dịch. Đúng là có nhiều cách để chi viện, nhưng với tôi được vào tâm dịch, được hỗ trợ, lắng nghe và chia sẻ nỗi vất vả với đội ngũ y bác sĩ là điều quý trọng hơn cả", chú Mẫn nói.

Người đàn ông gần 70 tuổi, đã từng là quân nhân, hiện là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế thời bình. Tuổi xế chiều, chú dành thời gian làm từ thiện, tìm mộ chiến sĩ, góp tiền xây viện và đặc biệt xông pha vào tâm dịch.

"Chúng mình trực tiếp chăm sóc F0, nguy cơ phơi nhiễm cao. Nhưng chú không sợ, vẫn quan tâm và đưa đón chúng mình. Chú đúng là một tấm gương để mọi người học tập", nữ bác sĩ Lâm Oanh tấm tắc.

Bác chủ tịch trốn vợ đi vào tâm dịch Bắc Giang làm tài xế tình nguyện: Các con ở nhà động viên mẹ thay bố nhé! - Ảnh 7.

Các nam bác sĩ cạo đầu để chống chọi với nắng gió Bắc Giang

Bác chủ tịch trốn vợ đi vào tâm dịch Bắc Giang làm tài xế tình nguyện: Các con ở nhà động viên mẹ thay bố nhé! - Ảnh 8.

6h sáng, mọi người tranh thủ "giải cứu" xoài rồi lên xe đến bệnh viện

Ở Bắc Giang, cũng như chú Mẫn, Oanh không mệt mỏi. Cô hạnh phúc với những điều giản đơn như cốc chè vải hạt sen được người dân gửi tặng giữa trưa hè nóng nực, hay bữa cơm ngon do các anh công binh nấu. Oanh tâm sự với hội chị em "muốn lấy chồng bộ đội ghê, mấy anh khéo tay quá. Sau này trước khi về, em nhất định phải xuống cảm ơn các anh!".

Sau lưng là quân đội, là nhân dân luôn yêu thương và cố gắng giúp đỡ hết sức có thể như chú Mẫn, y bác sĩ tuyến đầu như Oanh biến khó khăn thành động lực. Mọi người nhìn về Bắc Giang sẽ thấy nắng nóng, dịch bệnh và vất vả. Còn ở giữa tâm dịch, họ vui vẻ, nhiệt huyết, đoàn kết và tận tâm.

"Chỉ cần đoàn kết, đồng lòng, từ người dân, tình nguyện viên, đến bộ đội, nhân viên y tế, thì cuối cùng 'nhiệm vụ vào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng'", Oanh nói.

Tags:

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan