Câu chuyện bắt đầu từ trải nghiệm khá tồi tệ của 1 bạn trẻ trong quá khứ:
Tôi từng đọc được trên mạng, 1 cô giáo Tiểu học nói rằng để huỷ hoại 1 đứa trẻ rất dễ dàng, chỉ cần 3 lần chào hỏi không nhận được hồi đáp, thế là đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ có thể ngóc đầu lên được nữa. Có thật sự như vậy không?
Năm học lớp 6, tôi bị giáo viên Tiếng Anh vu oan rằng tôi đã ăn nói hỗn láo với cô ấy. Tôi được vài người bạn tiết lộ là do có người ở lớp bên cạnh muốn "sửa gáy" mình. Cô giáo Tiếng Anh có thể ngưng dạy cả năm để bắt tôi đứng trên bục giảng và phê bình trước lớp. Sự việc kéo dài suốt vài ngày, tôi vẫn không chịu nhận tội, rõ ràng là tôi không làm vậy. Giáo viên chủ nhiệm bắt tôi viết bản kiểm điểm, tôi cũng không viết, bởi vậy bị mắng là đứa trẻ vừa hư vừa bướng. Mẹ tôi bị mời đến trường, sau đó tôi bị bố đánh gần chết. Nhưng tôi không làm là không làm, tại sao không có ai chịu tin tôi? Cuối cùng, tôi bị nhà trường ghi vào học bạ, bị phê bình trước toàn trường. Cũng kể từ đó, điểm Văn hoá của tôi không bao giờ tốt nổi.
Chủ đề Huỷ hoại 1 đứa trẻ dễ dàng thế nào? đã thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc. Có lẽ chẳng ai nghĩ rằng, chỉ bằng 1 hành động vô cùng nhỏ nhặt hay 1 trò đùa tưởng như vô hại, người lớn có thể dễ dàng gây ra cho trẻ nhỏ những tổn thương tâm lý vô cùng sâu sắc, thậm chí là khiến chúng bị ám ảnh suốt cả cuộc đời.
Huỷ hoại 1 đứa trẻ dễ dàng thế nào?
Ngày bé, tôi có 1 hộp đựng sao, trong đó có khoảng hơn 1.000 ngôi sao được gấp bằng giấy.
Khi chuẩn bị về quê, tôi mang hộp sao về cho ông nội, để ông đặt nó ở đầu giường, như vậy thì ước mơ được gửi gắm trong đó sẽ trở thành hiện thực.
Ông nội là người nuôi tôi khôn lớn, sau đó mới trả tôi về với bố mẹ. Bố đối xử với tôi không tốt lắm, nên tôi thường hay nhớ về ông nội.
Ảnh minh hoạ
Lúc ấy, học sinh chúng tôi hay rỉ tai nhau "truyền thuyết" chỉ cần gấp đủ 1.000 ngôi sao giấy thì có thể biến 1 giấc mơ thành hiện thực. Suốt 1 năm trời, tôi ngồi học cũng không yên, sốt sắng ngồi gấp sao giấy.
Tôi mang hộp sao về quê đúng lúc họ hàng đến chơi, trong đó có 1 đứa trẻ con. Vừa nhìn thấy hộp sao của tôi, 2 mắt nó sáng rực. Thằng bé đó thích sao, lại càng thích những ngôi sao giấy không phải mất công tự gấp, thế nên đã tìm cách chiếm đoạt chiếc hộp của tôi.
Tất nhiên là tôi đã kiên quyết từ chối, khiến cho thằng bé khóc loạn nhà. Bố tôi tức tối gầm lên: "Đưa cho nó đi, có mỗi cái hộp rách cũng lắm chuyện!".
Tôi không có cơ hội bày tỏ tôi đã mất bao lâu để gấp được từng này, và nó có ý nghĩa thế nào đối với tôi. Ông nội còn chưa về đến nhà, chiếc hộp đã bị lấy mất.
Thằng bé nói muốn xem mưa sao băng, nên đã cầm chiếc hộp của tôi chạy lên sân thượng rồi hất văng tứ tung. Tôi đứng dưới tầng 1, không dám khóc, chỉ có thể trơ mắt nhìn những ngôi sao rơi xuống mặt đất, vương vãi khắp nơi, nhưng cũng chẳng có ai thèm quan tâm đến tôi.
Thằng bé chơi chán rồi liền cảm thấy chẳng có gì thú vị nữa. Còn tôi đứng lúi húi trên nền đất trước sân, cố gắng tìm lại ngôi sao có viết điều ước của mình. Tìm kiếm một lúc lâu thì bố tôi gọi vào ăn cơm. Tôi nói bố đợi một chút để con tìm đồ, nhưng bố lại trách tôi không giống như con nhà người ta, chỉ cần gọi 1 câu thôi là ngoan ngoãn về ăn cơm rồi. Tôi cảm thấy cực kỳ oan ức.
Chỉ là 1 món đồ chơi thôi mà
Năm nay, khi tôi về quê, em họ của tôi khoe có 1 món đồ chơi rất hay, là 1 con Bumblebee trong bộ phim rất hot chiếu cách đây không lâu. Thằng bé kể: "Bố mẹ đưa em đi xem phim, còn mua đồ chơi cho em nữa. Nó có thể biến hình đấy."
Con Bumblebee được lắp ráp rất thô, có thể dễ dàng nhận ra chỉ là hàng nhái, nhưng ở trong lòng thằng bé thì nó lại là cả 1 báu vật.
Bỗng thằng bé hàng xóm ở đâu xuất hiện, khóc mếu đòi món đồ chơi của em họ tôi. Và bố mẹ của em họ lại đưa ra quyết định tương tự như cách bố mẹ tôi từng làm: "Con tặng đồ chơi cho bạn đi, sau bố mẹ sẽ mua cho con cái mới. Lớn thì phải nhường em, phải hiểu chuyện lên chứ!".
Cậu em họ thấy bố mẹ giận dữ nên vô cùng sợ hãi, nước mắt lã chã đưa món đồ chơi yêu thích cho thằng bé hàng xóm. Tôi đi đến bên em họ, bảo không cho là không cho.
Mấy người lớn trong nhà, cả thằng bé hàng xóm đều đơ tại chỗ. Tất cả mọi người không thể hiểu nổi tại sao 1 người trưởng thành như tôi lại động viên đứa trẻ giữ lấy món đồ chơi của mình. Đứa trẻ nhà hàng xóm cũng nín khóc, dường như nó đang ngỡ ngàng trước 1 người lớn ấu trĩ như tôi.
Tôi nói với bố mẹ của cậu em họ: Thứ em nó muốn không phải là con Bumblebee này, mà là con Bumblebee được bố mẹ mua cho khi đi xem phim. Nó yêu thích món đồ chơi, giống như yêu thích bố mẹ mình vậy.
Bố mẹ nó đáp: Chỉ là 1 món đồ chơi thôi, hơn nữa bố mẹ đã cùng con trải qua nhiều kỷ niệm khác nữa mà.
Tôi lại bảo: Vậy 2 người đưa cháu nhẫn đính hôn của mình đi. Đằng nào cũng ở bên nhau lâu thế rồi, có giữ lại cũng chẳng để làm gì.
2 người họ cảm thấy tôi quá bướng bỉnh, sau đó còn cãi nhau 1 trận chẳng lấy gì làm vui vẻ.
Trò đùa vô duyên của người lớn
Không chỉ có những việc ấy, mà còn rất nhiều, rất nhiều chuyện khác nữa. Chẳng hạn như: "Con thích bố hay là mẹ hơn?".
Tôi dạy đứa trẻ nếu về sau còn có ai hỏi câu này, thì cứ hỏi ngược lại rằng: Thế cậu thích mẹ hay là vợ hơn?
Người lớn thường đau đầu vì câu hỏi sẽ cứu ai nếu cả mẹ lẫn vợ cùng rơi xuống nước, nhưng tại sao lại có thể vô tư trêu đùa trẻ con như thế?
Trong trường hợp trên, người không được lựa chọn chắc chắn sẽ giận dữ trách cứ: "Mẹ tốt với con nhường nào, vậy mà con lại chọn bố?" hay "Mẹ nuôi con lớn chừng này, thế mà con lại chọn vợ à?".
Chỉ cần động não 1 chút sẽ thấy câu hỏi kiểu này gây tổn thương cho đứa trẻ biết bao.
Ảnh minh hoạ
Bọn họ không dám đùa giỡn thô thiển với người lớn, nhưng lại tấn công 1 đứa trẻ chưa biết sử dụng ngôn ngữ linh hoạt. Khi thấy những đứa trẻ - mà tư duy còn chưa phát triển hoàn thiện - hoang mang không biết phải làm sao trước những trò đùa của mình, người ta còn vui vẻ cười lớn. Cười cái gì mà cười?
Thấy đứa trẻ học nhảy múa liền bắt nó nhảy 1 đoạn, thấy nó học hát thì bắt nó hát 1 bài. Con của các vị là máy phát MP3 hay gì? Con người bằng da bằng thịt mà bị lôi ra mua vui cho 1 đám người thô tục mới đáng thương làm sao!
Đứa trẻ lớn hơn một chút, bị mấy người nói là tính cách tự kỷ, nhát gan chẳng làm được việc gì sẽ bị chìm trong thất vọng, bị mắc chứng sợ hãi... Đây đều là "phúc" do các người ban cho đấy. Bởi vì các người đã nói với nó ngay từ lúc nhỏ rằng: Con được nhặt về từ bãi rác, bố mẹ không cần con nữa, con chọn bố thì sẽ không có mẹ nữa, đồ chơi của con có thể tặng cho người khác...
Làm thế nào để huỷ hoại 1 đứa trẻ?
Chính là gia nhập vào hội nhóm những người lớn từng bị huỷ hoại tuổi thơ, khiến cho bánh xe luân chuyển tiếp tục chèn ép lên những đứa trẻ khác, và cứ như vậy, từng thế hệ cứ liên tục bị huỷ hoại.
Hoặc là, bạn có thể lựa chọn một con đường khác, chọn bảo vệ đứa trẻ mà bạn yêu thương, để đứa bé ấy trở thành anh hùng. Giống như ông nội của tôi vậy.
Ảnh minh hoạ
Sau này, tôi tìm lại được ngôi sao có viết ước mơ của mình và tặng nó cho ông nội. Ông cầm ngôi sao trong tay, nhẹ nhàng mở ra xem. Bên trong đó viết: "Hy vọng ông bà nội trường sinh bất lão, bố mẹ mãi luôn mạnh khoẻ".
Ông nội mỉm cười xoa đầu tôi, rồi để ngôi sao đó ở đầu giường. Ông mở ngăn kéo ra, bên trong đựng đầy những ngôi sao do tôi gấp kia. Có những ngôi sao bị dính đầy đất, có ngôi sao bị rơi vào bể nước ướt sũng, đủ sắc đủ màu, đầy ắp ngăn kéo.
Ông nội nói: "Thông Thông, cháu đang dần trưởng thành rồi".
Những thứ mà tôi đánh mất, ông nội đều đã bù đắp hết lại cho tôi. Còn tôi sẽ thừa hưởng tinh thần đó của ông, tiếp tục trôi nổi giữa thời không vô tận, đi yêu thương mỗi 1 người mà tôi yêu thương.
Phía dưới câu chuyện kể trên, nhiều người dùng mạng cũng bày tỏ sự đồng tình và chia sẻ trải nghiệm khi bé của mình: "Đọc bài mà không ngừng gật gù", "Tôi cũng từng có những trải nghiệm tương tự, thật sự rất uất ức nhưng không thể làm gì được, cảm thấy mình vô dụng dã man", "Đúng là chỉ cần 3 lần chào hỏi bị bơ bởi cùng 1 người, thế là 1 đứa trẻ đã bị huỷ hoại", "Đọc vài bình luận là không thể xem tiếp được nữa, nó khiến tôi nhớ lại quá khứ chẳng mấy vui vẻ, nên quên đi thì hơn", "Nếu đã trải qua cảm giác này thì thật sự là cả đời chẳng thể quên nổi!"...
Bên cạnh đó, cũng có người cho rằng câu chuyện này không mấy khách quan, mang đến cho người đọc cái nhìn không toàn diện: "Tôi thấy bài viết này chủ quan quá, chỉ là đang tìm kiếm sự đồng tình", "Tôi nghĩ bạn nên sửa lại nội dung cho đầy đủ hơn, nếu không thì hãy xoá bài đi", "Mặc dù một số chi tiết cũng có lý, nhưng tôi không quá đồng tình với quan điểm của tác giả", "Rất nhiều đứa trẻ cũng từng rơi vào trường hợp ấy, nhưng tại sao chỉ có mỗi bạn cảm thấy bị huỷ hoại vậy?", "Dù biết là bạn đã từng chịu tổn thương, nhưng bài viết này phiến diện quá!"...
Nguồn: Zhihu
BÌNH LUẬN (0)