5 thông điệp đen tối về xã hội ẩn dụ trong Squid Game: Năng lực không quyết định thành công, phân biệt tầng lớp không lối thoát?

0

Squid Game không chỉ là một bộ phim sinh tồn, mà còn là một tấm gương phản ánh nhiều góc tối của xã hội ngày nay.

Chú ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim Squid Game!

Một trong những yếu tố khiến phim truyền hình bom tấn Squid Game (Trò Chơi Con Mực) của Netflix Hàn Quốc đang "làm mưa làm gió" khắp thế giới chính là ý nghĩa ẩn dụ trong phim. Xuyên suốt 9 tập phim của Squid Game, tác giả đã rất nỗ lực để khắc họa những hình ảnh, góc nhìn về cuộc sống trần trụi. Các nhân tố trong phim từ người chơi, quản trò cho tới cả các VIP đều có thể được coi là các hình ảnh phản chiếu đời thực. Dưới đây chính là 5 điểm khéo léo của Squid Game trong việc phản ánh những góc khuất đen tối, khó nói của cuộc sống.

Trong xã hội tư bản, kẻ giàu có là kẻ nắm quyền lực cao nhất

5 thông điệp đen tối về xã hội ẩn dụ trong Squid Game: Năng lực không quyết định thành công, phân biệt tầng lớp không lối thoát? - Ảnh 1.

Sự phân biệt giàu - nghèo cùng cực đến mức tàn nhẫn chính là chủ đề được làm nổi bật ở Squid Game. Trò chơi tử thần này được sinh ra không phục vụ mục đích gì ngoài việc "mua vui" cho những kẻ giàu có. Họ là người đặt ra quy luật mọi thứ vận hành, và khi những luật lệ ấy không khiến họ thỏa mãn, chúng có thể bị thay đổi trong tức thì trước sự bất lực của kẻ dưới trướng.

Điển hình cho việc này chính là ở vòng chơi đi qua kính. Thời điểm phát hiện một người chơi có thể nhìn vào những tấm kính để phân biệt đâu là kính cường lực, BTC đã tự ý... tắt đèn đi để đảm bảo tính giải trí của trò chơi khi người tham gia phải mạo hiểm tính mạng. Mặc dù tên quản trò vẫn ra rả về sự "công bằng", thì rõ ràng điều này không áp dụng với sự đối lập giàu - nghèo.

Những người chơi - tầng lớp dưới đáy xã hội, không có lối thoát khỏi sự nghèo khổ trong một xã hội như vậy

Những kẻ nợ nần, túng quẫn, sống dưới đáy xã hội chính là người chơi của Squid Game. Thực chất, họ không có lựa chọn nào để thực sự "sống", ngoài việc tham gia vào trò chơi sinh tử này.

Đó là lý do mà tập 2 của phim có tên là "Địa Ngục". Ở tập này, các người chơi có cơ hội trở về cuộc sống cũ. Tuy nhiên, thứ họ tưởng là bình an hóa ra lại là sự tự do giả dối. Cuộc sống cũ của họ mới chính là địa ngục, và ở đó, họ gần như không có cơ hội để trèo lên những bậc thang của xã hội. Squid Game được sinh ra làm "cơ hội đổi đời" thu hút những kẻ yếu thế, có điều tất cả cũng chỉ là giả dối, khi trò chơi được thiết kế để chỉ 1 người có thể sống sót. Còn nhục nhã hơn khi tính mạng, cảm xúc và lương tâm của người nghèo trở thành công cụ giải trí, thỏa mãn của những kẻ đứng đầu thể chế.

5 thông điệp đen tối về xã hội ẩn dụ trong Squid Game: Năng lực không quyết định thành công, phân biệt tầng lớp không lối thoát? - Ảnh 3.

Thậm chí Gi Hun (Lee Jung Jae) cho dù đã sống sót và sở hữu tiền thưởng của Squid Game thì vẫn không thể hạnh phúc. Số tiền anh ta cầm trong tay là "tiền máu", là sinh mệnh 454 người, và cũng sẽ chẳng có ai chứng thực cho sự "giàu sang" phạm pháp ấy. Gi Hun sống sót chứ không chiến thắng. Thậm chí, anh ta sống sót cũng là vì được trò chơi "cho phép".

Năng lực không phải là yếu tố quyết định thành công

5 thông điệp đen tối về xã hội ẩn dụ trong Squid Game: Năng lực không quyết định thành công, phân biệt tầng lớp không lối thoát? - Ảnh 4.

Không khó để nhận thấy nam chính Gi Hun là đại diện cho hình mẫu "ăn may" ở những trò chơi cuối cùng. Trong một xã hội trọng dụng nhân tài, Gi Hun là một trong những kẻ đầu tiên bị đào thải vì không có một năng lực nào sáng giá, liên tục bị lừa. Thế nhưng ở Squid Game, anh ta lại là người sống sót.

Trò chơi đi trên kính lại là hình ảnh phản ánh rõ nhất điều này. Những kẻ đi đầu sẽ trở thành "chuột bạch". Những kẻ có khả năng vượt qua thử thách (ông thợ kính) lại bị BTC phản đối (bằng cách tắt đèn khiến ông không thể phân biệt). Chỉ có những kẻ thuần may mắn thì lại là người thắng.

5 thông điệp đen tối về xã hội ẩn dụ trong Squid Game: Năng lực không quyết định thành công, phân biệt tầng lớp không lối thoát? - Ảnh 5.

Cũng như ở đời thực, năng lực không phải là yếu tố duy nhất để quyết định thành công. Địa vị gia đình, tài sản thừa kế, giới tính, di truyền, xã hội xung quanh... đều là những yếu tố chúng ta không thể điều khiển được, nhưng lại góp phần quan trọng vào sự thể hiện của mỗi người trong cuộc sống. "Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa" cũng là như vậy.

Sự phân biệt giới tính còn quá nặng nề, cực đoan trong xã hội

Một yếu tố khác được Squid Game khai thác rất mạnh chính là sự phân biệt giới tính nam - nữ. Nhân vật Ni Myeo ngay từ đầu đã bị Deok Soo bặm trợn sỉ nhục là "lăng loàn" - chỉ vì bà ta là phụ nữ. Tiếp theo đó chính là những lần khi các nhân vật nữ bị bỏ qua lúc ghép cặp vì cánh đàn ông chỉ muốn "kẻ mạnh" vào team. Trò chơi kéo co chứng minh không phải cứ toàn là đàn ông với nhau thì sẽ mang lại chiến thắng.

Thậm chí, điều này còn được thể hiện ở bộ phận cầm quyền. Có thể thấy, không một ai trong BTC trò chơi (và cả các VIP) là phụ nữ. Sự thiếu hụt này chắc chắn không phải là sự vô tình của nhà sản xuất. Việc phái nam luôn chiếm tỉ lệ áp đảo trong các vị trí có quyền lực, hay thường có thu nhập cao hơn trong xã hội, phần nào được nói lên qua những chi tiết này của Squid Game. Đặc biệt trong một xã hội còn nặng nề chuyện "trọng nam khinh nữ" như Hàn Quốc, thì Squid Game còn trở nên thời sự hơn bao giờ hết.

Sự tham nhũng có mặt ở khắp mọi nơi

5 thông điệp đen tối về xã hội ẩn dụ trong Squid Game: Năng lực không quyết định thành công, phân biệt tầng lớp không lối thoát? - Ảnh 7.

Mặc dù tổ chức Squid Game được miêu tả là "nghiêm túc" và mọi thứ vận hành rất bài bản, thế nhưng khán giả sớm được hé lộ rằng có hẳn một đường dây buôn bán nội tạng ngầm đang diễn ra. Những tên lính của Squid Game bí mật ăn trộm xác của những người thua cuộc và móc nối với một tên bác sĩ giả vờ làm người chơi, nhằm thu nhập nội tạng bí mật ngay dưới trướng của "quản trò". Đây chính là hình ảnh ẩn dụ cho sự tham nhũng diễn ra trong các thể chế cầm quyền của xã hội. Những hành động phi pháp (cho dù trong khuôn khổ trò chơi phi pháp Squid Game) luôn ngầm diễn ra khi có kẻ nhận ra cái lợi cho cá nhân mình.

Tổ chức buôn bán nội tạng trong Squid Game đã bị phát giác và trừng phạt. Tuy nhiên, phải chăng đó là hoạt động "tham nhũng" duy nhất đang xảy ra giữa trò chơi này?

Squid Game đã ra mắt toàn bộ trên Netflix.

Nguồn ảnh: Netflix

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan