6 khác biệt về cách dùng điện thoại giữa người có tiền và người không, tới cái ốp lưng cũng phản ánh điều đó?


                                    6 khác biệt về cách dùng điện thoại giữa người có tiền và người không, tới cái ốp lưng cũng phản ánh điều đó?

Bạn đã bao giờ thấy Bill Gates hay Jack Ma mở miệng mượn ai cục sạc dự phòng chưa?

Tất cả chúng ta đều biết rằng điện thoại di động, cụ thể hơn là smartphone đã trở thành một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Không riêng gì giới trẻ mà càng ngày, người ta càng dành nhiều thời gian cho chiếc điện thoại của mình hơn.

Tuy nhiên, có một sự thật không biết nên gọi là hài hước hay phũ phàng, đó chính là cùng một chiếc điện thoại, nhưng cách sử dụng giữa người có tiền và người không có tiền lại có sự khác biệt rất lớn.

Vậy cụ thể những khác biệt đó là gì?

#1 - Chuyện bảo vệ điện thoại

Điện thoại của người không có tiền thường chỉ gọi là đạt chuẩn sau khi được trang bị đầy đủ ốp lưng và dán cường lực. Thậm chí, họ còn rất tự hào khoe với bạn bè chỗ dán cường lực rẻ mà chất lượng. Trong khi người giàu thì không. Hầu hết điện thoại của người giàu thường không dùng ốp. Nếu có dùng thì đó cũng là vì sở thích của họ, chứ không phải vì tránh việc bị rơi. Họ cho rằng chiếc điện thoại đẹp nhất với hình dáng nguyên bản của nó, mọi thứ che đi nó đều làm giảm xúc cảm cũng như hình thức nó vốn nên có.

6 khác biệt về cách dùng điện thoại giữa người có tiền và người không, tới cái ốp lưng cũng phản ánh điều đó? - Ảnh 1.

Một ngày đẹp trời, nếu người không có tiền chạm vào chiếc điện thoại "trần trụi", họ sẽ không khỏi trầm trồ "Cảm giác tuyệt ghê" sau đó tiếp tục đeo ốp lưng vào. Bởi với họ, sự an toàn cho chiếc điện thoại đắt tiền vẫn là yếu tố đáng ưu tiên hơn cả.

#2 - Phiên bản sẽ mua

Sau nhiều năm phát triển, không riêng gì iPhone hay Samsung, mọi hãng di động đều đã phát hành nhiều phiên bản điện thoại khác nhau. Và thường thì càng ở các phiên bản sau, giá thành sẽ càng tăng lên dù các tính năng cũng không được cải thiện nhiều.

Với người giàu, họ chọn mua phiên bản mới chỉ vì lý do duy nhất, chiếc điện thoại được hoàn thiện ở kỹ thuật cao hơn, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho họ. Còn người nghèo thì chia làm 2 kiểu. Một kiểu lúc này mới dám bỏ tiền ra mua phiên bản trước, thậm chí trước trước nữa của chiếc điện thoại đó để giá bán được hạ xuống thấp nhất. Kiểu thứ hai thì cố sống cố chết mua bằng được phiên bản mới nhất dẫu có phải bỏ ra 2-3 tháng, thậm chí cả nửa năm lương.

#3 - Lý do mua

Lý do tại sao những người giàu có mua điện thoại rất đơn giản: họ thích và thân phận của họ yêu cầu điều đó. Còn những lý do khiến người nghèo quyết định mua một chiếc điện thoại thì có nhiều hơn: vì hiệu năng của nó mạnh mẽ, có 3 camera sau, dung lượng pin lớn, thời lượng sử dụng dài, sạc nhanh 27W, động cơ chống rung ngang, tỷ lệ màn hình trên thân máy cao, sạc không dây, giá thành hợp lý... Và cũng có đôi khi, nguyên nhân lớn nhất khiến một người không có tiền chấp nhận bỏ tiền ra mua là vì tâm lý không muốn thua kém.

6 khác biệt về cách dùng điện thoại giữa người có tiền và người không, tới cái ốp lưng cũng phản ánh điều đó? - Ảnh 2.

Những người này mắc phải một sai lầm khá cơ bản đó là hiểu lầm giá trị một chiếc điện thoại có thể mang đến. Họ nghĩ rằng việc sở hữu một chiếc điện thoại đắt đỏ sẽ góp phần định danh, thể hiện bản sắc cũng như tiềm lực tài chính của họ. Tuy nhiên, thực tế thì thế giới không quan tâm bạn sống như thế nào, bạn đeo túi hiệu gì, bạn dùng điện thoại hãng nào cũng như bạn đeo trang sức ra sao. Thế giới rộng lớn như vậy, không ai đủ rảnh rỗi để chú ý đến một mình bạn, chỉ có bạn bè, người quen và những người trong vòng kết nối của chính bạn mới dành thời gian lưu tâm tới bạn thôi.

Bill Gates cần phải tham dự nhiều sự kiện lớn nhỏ khác nhau, vậy nên ông đặt thiết kế riêng một bộ vest giá 50.000 đô. Cái danh tỷ phú và tính chất những event Bill Gates tham dự quyết định rằng ông phải ăn mặc như thế. Trong khi đó, ngay cả khi bạn mặc bộ vest 50.000 đô, bạn cũng không thể trở thành Bill Gates và bạn cũng không thể tham gia những sự kiện xã giao nơi ông ấy đến.

#4 - Phụ kiện cho điện thoại

Ngoài ốp lưng, người không có tiền còn chấp nhận móc ví để mua nhiều phụ kiện điện thoại khác như sạc dự phòng, giá đỡ điện thoại, gậy selfie... Còn người giàu ư? Thử nghĩ lại xem, bạn đã bao giờ thấy Bill Gates hay Warren Buffett rồi cả Jack Ma mở miệng mượn ai cục sạc dự phòng chưa? Với họ, điện thoại đã đủ các công năng cần có, cùng lắm thêm đôi tai nghe là đủ để đáp ứng các nhu cầu sử dụng hàng ngày.

6 khác biệt về cách dùng điện thoại giữa người có tiền và người không, tới cái ốp lưng cũng phản ánh điều đó? - Ảnh 3.

#5 - Thói quen sạc pin

Về cơ bản, những người có tiền thường sạc điện thoại tùy ý mỗi khi sử dụng và không quan tâm đến việc pin điện thoại có bị hỏng hay không. Trong khi nhiều người không có tiền thì cẩn thận từng li từng tí, sạc phải sạc theo chu kỳ, sạc phải sạc đủ số % pin. Bởi đơn giản, nếu chai pin hay tệ hơn là hỏng điện thoại, họ sẽ phải bỏ tiền ra để sửa chữa hay thay mới - điều mà họ không muốn đối mặt chút nào.

#6 - Công dụng của điện thoại

Trong mắt người nghèo, điện thoại là cách giải trí, là cuộc sống, thậm chí là tất cả mọi thứ của họ. Trên cùng một chiếc điện thoại, họ chơi game, kết bạn, mua đồ, đọc truyện, nghe nhạc, xem phim... Họ không có đủ tài chính và thời gian để lựa chọn các phương thức giải trí khác nên tận dụng tối đa chiếc điện thoại để hoàn thành các chức năng này. Vì vậy, khi một người không có tiền chọn chi tiền cho một chiếc điện thoại, không đơn giản vì mặt mũi, đây còn là cách để người đó cải thiện đời sống giải trí nói riêng và chất lượng cuộc sống nói chung. Đây là một trong số ít những điều người đó có thể thay đổi.

6 khác biệt về cách dùng điện thoại giữa người có tiền và người không, tới cái ốp lưng cũng phản ánh điều đó? - Ảnh 4.

Về phần mình, trong mắt người có tiền, điện thoại đơn giản là một công cụ để liên lạc. Họ có các thú vui khác sôi động, phong phú hơn nhiều so với nghịch điện thoại như chơi golf, cưỡi ngựa, đi lặn... Quá nhiều công việc, quá nhiều sở thích để lựa chọn trong cuộc sống hàng ngày khiến họ không chỉ chăm chăm thực hiện mọi thứ trên chiếc smartphone. Đây có thể cũng là lý do vì sao Warren Buffett vẫn thích sử dụng điện thoại nắp gập còn một tỷ phú khác là Lucio Tan thậm chí còn giữ "cục gạch" cổ Nokia.

Kết

Đương nhiên, mọi sự khác biệt đều chỉ mang tính tương đối bởi lẽ mỗi người lại có một quan điểm riêng với chiếc điện thoại mình sở hữu. Tuy nhiên, dù có tiền hay không, tất cả chúng ta nên là chủ nhân của điện thoại thay vì trở thành nô lệ của nó. Bởi suy cho cùng, thế giới trong chiếc điện thoại dù đẹp đến đâu cũng là ảo, những tốt đẹp ngoài đời mới là thứ đáng để theo đuổi và trân trọng nhất.

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan