Công ty Cổ phần Hakawa Việt Nam - một công ty phân phối độc quyền các sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng đến từ Nhật Bản tại Việt Nam. Sau 10 năm hình thành và phát triển, Hakawa Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định và có vị thế vững chắc tại thị trường Việt Nam với hệ thống đại lý phân phối có mặt tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sự bất ổn của thị trường đã đẩy Hakawa Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn. Vào ngày 18/09, trên Facebook cá nhân của mình, anh Võ Công Cao - Giám đốc điều hành Hakawa Việt Nam đã đăng tải một bài viết với nội dung tuyên bố công ty phá sản và dừng hoạt động kinh doanh. Đáng chú ý trong đó còn có lời nhắn nhủ đầy chân thành mà anh dành cho toàn thể nhân viên của mình.
Ảnh chụp màn hình (Nguồn: Facebook nhân vật)
Khó khăn chồng chất trước đại dịch
Trò chuyện với anh Võ Công Cao, được biết, trước khi chính thức tuyên bố điều này, anh đã suy nghĩ rất nhiều: "Vào ngày 18/09, tôi đã thông báo cho toàn thể nhân viên ngừng hoạt động vì hiện tại bản thân công ty không còn đủ khả năng để xoay vòng vốn nữa. Trước khi chính thức đưa ra quyết định, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều".
Được biết, từ đầu năm 2020, dịch bệnh đã bắt đầu ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, dù lượng người dùng giảm hẳn so với thời gian trước kia nhưng công ty vẫn hoạt động bình thường, khối lượng công việc mọi người làm thậm chí còn nhiều hơn trước.
Anh Võ Công Cao - Giám đốc điều hành Hakawa Việt Nam (Ảnh Facebook nhân vật)
Mọi việc dần trở nên khó khăn hơn khi TP.HCM bắt đầu trở thành "tâm dịch" của cả nước từ tháng 6/2021. Tại thời điểm đó, nhiều công ty, doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng Hakawa Việt Nam vẫn quyết định tiếp tục "chiến đấu" trước muôn trùng khó khăn.
Khi được hỏi về lý do đưa ra quyết định này, anh Cao chia sẻ: "Ban đầu tôi cũng có suy nghĩ cho ngừng hoạt động để đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch bệnh cho toàn thể nhân viên trong công ty, cũng là để tránh những rủi ro phát sinh.
Tôi đã họp trao đổi về tình hình kinh doanh và dịch bệnh với toàn thể nhân viên công ty, xin ý kiến mọi người có nên nghỉ hay không. Tuy nhiên, tất cả nhân viên đều đồng ý tiếp tục làm".
Anh Cao hiểu được, mọi nhân viên trong công ty đều rất cần công việc để duy trì cuộc sống trong mùa dịch bệnh. Anh không nỡ "chặt đứt" nguồn sống của những người đã cùng mình "đồng cam cộng khổ" gây dựng công ty cho đến thời điểm hiện tại nên đã cố gắng duy trì mọi hoạt động bình thường:
"Tôi hiểu sự khó khăn của mọi người. Họ sợ thất nghiệp. Khi nhiều thành viên khác trong gia đình đã thất nghiệp, họ chỉ có thể trông chờ vào đồng lương ở đây để nuôi vợ con có một cuộc sống bình thường. Làm sao tôi có thể dừng lại được.
Nhưng khi quyết định bước tiếp, tôi cũng hiểu và dự đoán được mình phải đối mặt và chấp nhận những rủi ro lớn ở phía trước".
Những vẫy vùng trong cơn khốn khó
Ngay sau khi quyết định tiếp tục công việc, anh Võ Công Cao đã sắp xếp cho tất cả nhân viên bộ phận Marketing - khoảng 40 người, ở nội trú tại công ty do thường có những thay đổi trong kế hoạch và sản phẩm. Bộ phận Sale có thể làm việc ở nhà.
Dù đã tính toán nhiều phương án để duy trì kinh doanh nhưng điều khiến anh không thể ngờ tới nhất chính là TP.HCM đã "lockdown", kể cả shipper cũng không thể tiếp tục hoạt động trên toàn thành phố vào cuối tháng 6:
"Tôi nghĩ rằng nếu có dịch bệnh nhưng sẽ không bao giờ cấm vận chuyển. Có thể ngừng mọi dịch vụ nhưng shipper vẫn sẽ lưu thông thì ngành kinh tế mới có thể vận hành, người dân mới yên tâm ở nhà. Nhưng tình hình sau đó thế nào mọi người cũng rõ rồi".
"Nhân viên giao hàng gồm 25 người buộc ngưng hoạt động theo chỉ thị của TP.HCM. Khâu vận chuyển bắt đầu gặp nhiều vấn đề khó khăn như giao hàng chậm trễ, khách hàng hủy đơn hay có những khu vực không thể giao hàng...".
Trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, anh Võ Công Cao vẫn đảm bảo lương cho nhân viên (Ảnh: Facebook nhân vật)
Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống cho nhân viên, Giám đốc Võ Công Cao vẫn cố gắng duy trì mức lương 100% cho mọi người. Với bộ phận không có công việc như shipper, công ty vẫn hỗ trợ 3-5 triệu/ tháng cho mỗi người.
Hakawa Việt Nam đã nhanh chóng tìm phương án giải quyết vấn đề giao hàng nhờ việc hợp tác với bên vận chuyển thứ 3. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7, do hầu hết các sản phẩm của công ty đều rất cồng kềnh, từ 10-20 kg nên đơn vị vận chuyển không tiếp nhận, công ty cũng không thể tiếp tục xoay xở.
Đặc biệt, khi ngành hàng gia dụng bị cấm vận chuyển, rất nhiều đơn hàng giao hàng cho khách nhưng không nhận được, chậm trễ, hư hỏng, thất lạc dẫn đến tổn thất hàng hoá rất lớn.
Máy tạo oxy - một bước kinh doanh liều lĩnh
Trước hoàn cảnh bế tắc đó, anh Cao đã miệt mài suy nghĩ, tính toán thay đổi hướng đi cho công ty và quyết định kinh doanh một sản phẩm đang rất "hot" vào thời điểm đó - máy tạo oxy.
"Ở góc nhìn của tôi, tại thời điểm đầu tháng 8, việc bán sản phẩm đó là vô cùng hợp lý. Có thể cứu được công ty và cứu người khi cấp bách. Thời điểm đó ai cũng rất lo sợ trước tình hình dịch bệnh nên nhu cầu rất lớn. Ngay cả bản thân tôi cũng mua cho người thân và gia đình.
Sản phẩm máy tạo oxy được bán ra với số lượng lớn
Sản phẩm máy tạo oxy bán rất tốt nhưng không có hàng. Công ty lại chưa thể nhập trực tiếp hàng hóa từ nhà máy nên đã tiến hành mua lại với giá rất cao. Lúc đầu mua sỉ 9,5 triệu/máy, sau giảm dần xuống 7,5 - 6 triệu/ máy với số lượng 500 máy.
Tuy vậy, thời gian này có bao nhiêu hàng bán cũng hết. Công ty mỗi ngày có 200 - 300 khách đặt hàng. Một sản phẩm người ta bán 15 - 16 triệu nhưng công ty mình chỉ bán giá 13 - 14 triệu đồng. Không phải quảng cáo cũng có thể bán cả trăm cái, khách hàng tự đến mua. Doanh thu mỗi ngày 1-2 tỷ. Nhưng đến khoảng 15/8, lượng hàng cạn kiệt".
Trước hình khan hiếm nguồn hàng, Hakawa Việt Nam đã nhanh chóng liên hệ đặt một số lượng hàng lớn từ nước ngoài - lên tới 7.000 chiếc. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên đến mãi đầu tháng 9, lô máy oxy này mới về đến Việt Nam.
Đáng tiếc, đến thời điểm đó, thị trường bắt đầu chững lại: "Từ 200-300 đơn mỗi ngày không có hàng giao, giảm xuống 3-5 đơn dù đã áp dụng nhiều biện pháp khuyến mãi, tặng kèm. Tình trạng này kéo dài đến 20 ngày thì tôi nhận ra mình không còn khả năng xoay xở nữa. Thị trường giảm quá nhanh, tất cả dòng tiền chết lặng".
Bài học từ thất bại: "Do bản thân quá liều lĩnh"
Từ những thất bại trong kinh doanh, anh Võ Công Cao cũng đã tự rút ra được những bài học cho bản thân mình - đó có lẽ là điều đáng quý nhất đối với mỗi doanh nhân thành đạt:
"Tôi thất bại ở lần này do cách sử dụng dòng tiền. Vì tính hiếu thắng nên tôi đã đặt số lượng đơn hàng quá lớn.
Cùng với đó, do dòng vốn kinh doanh trước đó đã dồn vào nhập các sản phẩm khác vì từng lo sợ sau này không thể nhập hàng từ nước ngoài về. Tiền cho lô máy tạo oxy này chủ yếu là tôi 'vay nóng' và vay từ bạn bè.
Từ đầu tháng đến giờ hàng không ra được, ngân sách hiện tại đã âm và vẫn phải chi trả nhiều khoản khác. Thời gian này ai cũng khó khăn, việc vay mượn tiền không hề dễ dàng.
Tôi vốn muốn bán nhà nhưng trong giai đoạn này thực sự rất khó để bán được. Không còn cách nào khác, tôi mới buộc phải thông báo với anh em dừng hoạt động kinh doanh. Lần này rủi ro lớn do tôi quá liều lĩnh".
Những "chiến binh" tận tâm - ánh sáng hy vọng cho tương lai
Tình hình công ty khó khăn đến đỉnh điểm, anh Võ Công Cao đã chấp nhận để nhân viên rời đi, khuyến kích mọi người kiếm tìm cho bản thân một cơ hội mới tốt hơn. Cùng với đó, anh vẫn đảm bảo trả đủ lương cho nhân viên theo đúng kỳ hạn vì hơn ai hết anh hiểu được sự vất vả của những người lao động trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, điều khiến giám đốc Cao không khỏi cảm động là việc hầu như toàn bộ nhân viên trong công ty sau khi biết được thông tin đều động viên tinh thần và muốn đồng hành cùng anh vượt qua giai đoạn khó khăn.
Những lời động viên và mong muốn đồng hành cùng công ty đến từ nhân viên (Ảnh nhân vật chia sẻ)
"Hiện tại các bộ phận trong công ty vẫn đang sẵn sàng làm việc. Dù tôi không quá để ý soi xét tới nữa nhưng mọi người đều nhìn vào nhau để làm. Chỉ có bộ phận nhân viên giao hàng do không ra được ngoài đường nên tôi đã kết nối với công ty khác. Những bộ phận như Marketing, Sale, Design, quay dựng... vẫn làm việc đầy đủ".
Mặc dù thời điểm hiện tại còn nhiều khó khăn, Giám đốc Võ Công Cao cùng những người đồng nghiệp vẫn chưa thể nghĩ ra được những giải pháp để xoay chuyển tình thế.
"Lúc này đây tôi suy ngẫm lại và xem thất bại lần này là một phần lành mạnh, điều này sớm muộn cũng sẽ xảy đến. May mắn thay nó đến với mình khi ở tuổi 29, lúc mình đang hừng hực hào khí và có những chiến binh bên cạnh" - Anh Cao lạc quan chia sẻ.
Tuy nhiên, với tinh thần hăng say và lòng quyết tâm, đồng lòng của toàn thể cán bộ nhân viên, chắc chắn Hakawa Việt Nam sẽ một lần nữa vươn mình bước tiếp. Biến những bài học, vấp ngã trong quá khứ trở thành động lực hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho doanh nghiệp.
Bệnh dịch đang dần được khống chế, TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác từng ngày từng giờ vẫn đang có những biện pháp khôi phục lại trạng thái bình thường mới cho xã hội, phục hồi nền kinh tế đã bị tổn thất nặng nề bởi dịch bệnh. Để những doanh nghiệp như Hakawa Việt Nam có cơ hội vực dậy và phát triển.
BÌNH LUẬN (0)