Giám đốc kỹ thuật của hàng loạt phim Việt đình đám nói gì về công nghệ Cinematic Mode trên iPhone 13?


                                    Giám đốc kỹ thuật của hàng loạt phim Việt đình đám nói gì về công nghệ Cinematic Mode trên iPhone 13?

"Không phải iPhone sẽ thay thế máy quay chuyên nghiệp, mà một ngày nào đó chính máy quay chuyên nghiệp sẽ thay thế mình, bằng nhiếp ảnh điện toán. Dù sao thì, kẻ thức thời là trang tuấn kiệt."

Ở thời điểm hiện tại, iPhone 13 có lẽ là một trong những cái tên "nóng" nhất trên mạng xã hội. Kể từ khi ra mắt, hàng loạt các chủ đề về chiếc smartphone này được đăng tải mỗi ngày kèm theo đó lượng tương tác cũng tăng lên đáng kể cho thấy mức độ quan tâm của người sử dụng đến "con cưng" nhà Táo là lớn đến thế nào.

Giám đốc kỹ thuật của hàng loạt phim Việt đình đám nói gì về công nghệ Cinematic Mode trên iPhone 13? - Ảnh 1.

Trong số các bài đăng, tôi đặc biệt ấn tượng về một dòng trạng thái nói đến việc iPhone 13 có làm những chiếc máy quay chuyên nghiệp cụ thể là ARRI, RED, Sony "chết" hay không đến từ Trương Huyền Đức - một người bạn đang làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh. Vì lẽ đó, tôi đã nhắn tin và có một buổi trò chuyện khá thú vị về vấn đề này.

Giám đốc kỹ thuật của hàng loạt phim Việt đình đám nói gì về công nghệ Cinematic Mode trên iPhone 13? - Ảnh 2.

Họ và tên: Trương Huyền Đức

Quá trình làm việc/chức vụ đảm nhận:

- Giám sát kĩ thuật thiết kế ý tưởng cho Paramount Pictures, Warner Bros và Industrial Light & Magic,...

- Phim quốc tế tham gia sản xuất: Star Wars Rogue One, Star Wars The Last Jedi, Blade Runner 2049, Thor Ragnarok, The Mandalorian

- Phim Việt Nam tham gia sản xuất: Giám đốc Mỹ thuật phim Hồn Papa Da Con Gái, Giám đốc Kỹ thuật phim Mắt Biếc, Thiên Thần Hộ Mệnh và gần đây nhất là Em và Trịnh.

- Đồng thời là Kỹ thuật viên của hãng sản xuất máy quay chuyên nghiệp ARRI, cố vấn Hội đồng Khoa học - Công nghệ AMPAS.

photo-2

Cách đây 2 năm, Đức cũng từng được chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ về công nghệ IRIDIUM AI vốn góp phần nên sự thành công của bộ phim Mắt Biếc. Và ngày hôm nay, cuộc nói chuyện của chúng tôi sẽ tiếp tục xoay quanh công nghệ áp dụng vào điện ảnh, nhưng lần này có phần đặc biệt đôi chút khi đối tượng được nhắc đến là iPhone 13 và tính năng Cinematic Mode dưới góc nhìn của một người làm phim chuyên nghiệp.

Giám đốc kỹ thuật của hàng loạt phim Việt đình đám nói gì về công nghệ Cinematic Mode trên iPhone 13? - Ảnh 5.

Công nghệ IRIDIUM AI sử dụng trong bộ phim Mắt Biếc được Đức chia sẻ

Đầu tiên mình muốn hỏi chút cảm nhận tổng quan của Đức về chiếc iPhone này. Tính năng nào mà Đức thấy là hay ho nhất và muốn trải nghiệm nó?

"Xét trên phương diện thông số và tính năng, iPhone 13 với mình không có gì nổi bật. Nhưng iPhone chưa bao giờ cạnh tranh bằng thông số cả, mà quan trọng là trải nghiệm và cảm hứng. Mình tò mò muốn biết iPhone 13 có thể tạo nên cảm hứng gì cho những nhà sáng tạo nội dung."

Hôm ra mắt, Apple có công chiếu hai đoạn phim quay bằng iPhone 13 và có chế độ lấy nét chuyển rất mượt gọi là Cinematic Mode. Nhiều người cho rằng nó sẽ là cuộc cách mạng cho việc quay phim trên điện thoại di động, theo Đức thì sao?

"Đối với mình, khả năng giả lập để lấy nét trước và sau của iPhone là một nâng cấp thường niên, phù hợp với sự phát triển của điện thoại đa cảm biến, nên không có gì mang tính cách mạng. Tuy nhiên, để bổ sung cho câu hỏi trên, thì điều mình muốn trải nghiệm chính là chất lượng hình ảnh của kỹ thuật giả lập hiệu ứng quang học này trên iPhone 13 mới, chứ chất lượng giả lập của iPhone đời cũ cũng như các điện thoại khác trước đây nói chung chưa thuyết phục được mình."

Vậy theo Đức nghĩ Cinematic Mode này có thật sự được áp dụng vào ngành điện ảnh không? Hay chúng ta vẫn phải ưu tiên chất lượng từ những cỗ máy quay lớn? Nếu áp dụng được, tỉ lệ nó có thể áp dụng vào là bao nhiêu?

Đến đây cần phải nói qua một chút về Cinematic Mode của iPhone 13 mới. Qua những hình ảnh của Apple công cố, có thể thấy chế độ này sẽ giúp người quay phim có được chuyển động lấy nét mượt mà, chính xác giữa các chủ thể cùng trong khung hình đồng thời đảm bảo hiệu ứng quang học "xóa phông xa gần" cho chất lượng giống như trên các máy quay chuyên nghiệp. Vậy tại sao lại là chuyển động lấy nét mượt mà chứ không phải là nhanh gọn dứt khoát.

Giải thích cho điều này, Đức đã có ngay một ví dụ đó chính là Focus puller hay người vặn nét, một vị trí rất quan trọng trong quá trình sản xuất phim chuyên nghiệp.

Hiểu đơn giản, Focus puller chính là người điều khiển thiết bị lấy nét trong quá trình quay phim. "Bằng cách quyết định điểm nét ở đâu, chuyển từ đâu sang đâu, tốc độ như thế nào, focus puller đã đóng góp vào câu chuyện điện ảnh. Trên màn ảnh chúng ta không nhận ra đóng góp kể chuyện của focus puller vì động tác của họ rất nhân tính, họ là người mà, ngay cả khi họ sai lầm, chứ chúng ta xem video máy quay autofocus chúng ta nhận ra liền, vì đó là máy móc focus." - Đức cho biết.

Giám đốc kỹ thuật của hàng loạt phim Việt đình đám nói gì về công nghệ Cinematic Mode trên iPhone 13? - Ảnh 7.

Trong hình, một hệ thống làm việc của Focus puller bao gồm màn hình SmallHD, hand-unit WCU-4, motor điều khiển lens cforce, cube converter và cảm biến đo khoảng cách siêu âm CineRT tổng chi phí khoảng 40.000 USD.

Đánh giá về video của iPhone 13, Đức cũng chia sẻ: "Apple đã khéo léo chọn một đoạn ngắn rất có chủ ý. Khi nhân vật gần máy ngoái lại nhìn về nhân vật ở xa máy, focus chuyển dần theo, đó là một động tác chuyển focus rất nhân tính. Chúng ta chưa rõ đây là một AI tự động nhận diện nội dung câu truyện, hay chỉ là một sự sắp xếp để đạt mục đích quảng cáo của Apple. Nhưng điều đó chỉ càng cho thấy sự quan trọng của người focus puller, khi các hãng công nghệ, không chỉ tập trung theo đuổi tốc độ và sự chính xác, mà đang mơ ước đem được nhân tính vào công nghệ của mình."

Giám đốc kỹ thuật của hàng loạt phim Việt đình đám nói gì về công nghệ Cinematic Mode trên iPhone 13? - Ảnh 8.

Cú chuyển focus đơn giản nhưng đúng nội dung của iPhone

Vậy theo Đức nghĩ Cinematic Mode này có thật sự được áp dụng vào ngành điện ảnh không? Hay chúng ta vẫn phải ưu tiên chất lượng từ những cỗ máy quay lớn? Nếu áp dụng được, tỉ lệ nó có thể áp dụng vào là bao nhiêu?

"Thực ra điện ảnh có những vấn đề của riêng nó, như mình đã nói, điện ảnh là kể chuyện, và mỗi câu truyện để kể có những nhu cầu khác nhau, đòi hỏi khác nhau, vô cùng đa dạng. Chính vì thế hệ thống của điện ảnh cần có tính mở, tự do cấu hình để phù hợp với từng câu truyện, một máy quay ARRI có thể gắn gần như mọi loại ống kính trong lịch sử, để có thể kể câu chuyện phù hợp mọi thời kỳ. Vậy nên, những công nghệ như Cinematic Mode của Apple, vốn cần có nền tảng đóng, các thành phần tích hợp chặt chẽ sẽ khó áp dụng sớm được, khó nhưng chắc chắn sẽ có, và phù hợp nhu cầu đặc thù của ngành."

Giám đốc kỹ thuật của hàng loạt phim Việt đình đám nói gì về công nghệ Cinematic Mode trên iPhone 13? - Ảnh 9.

Đức và focus puller Oliver Braslin tại một cảnh quay ở Việt Nam

Mặt khác, về một số ý kiến cho rằng, iPhone 13 có thể thay thế các thiết bị quay chuyên dụng cũng như thời của dân focus puller sẽ hết, Đức cũng thẳng thắn chia sẻ là không. "Nói cho gọn, thì việc quay để lấy thông tin, rõ hình rõ tiếng trong đời sống thường nhật thì iPhone và các thiết bị di động đang làm rất tốt. Nhưng cũng chính vì thế, đối với điện ảnh, thì vẫn còn một khoảng cách rất xa, vì điện ảnh không phải chỉ rõ hình rõ tiếng, cũng như công việc của người focus puller trong đoàn phim không phải chỉ vặn nét."

Việc tiếp cận các máy quay chuyên nghiệp thường sẽ là trở ngại với những người muốn làm phim nghiệp dư, vậy những chiếc smartphone như iPhone 13 có đủ đáp ứng điều này hay không, những lưu ý nào về quay phim mà theo Đức có thể hỗ trợ khả năng này?

"Cách đây 12 năm, máy Canon 5D Mark II ra đời, tạo ra một làn sóng mạnh mẽ vì lần đầu tiên một thiết bị quay video giá rẻ trong tầm tay người dùng phổ thông có cảm biến lớn, có thể tạo ra những khung hình "điện ảnh". Mình nghĩ Cinematic của iPhone cũng sẽ tạo ra điều tương tự, và codec prores của iPhone chính là chất xúc tác, vì codec thường được coi là một trong các yếu tố then chốt để cân nhắc giữa các thiết bị ghi hình. ProRes sẽ cho phép người dùng phổ thông tự do hơn trong sáng tạo hậu kỳ, và người dùng chuyên nghiệp bán chuyên có thể sử dụng kết hợp iPhone chung với các thiết bị ghi hình cao cấp dễ dàng hơn."

Vậy nếu không thay thế cho ngành phim, iPhone 13 nói chung hay công nghệ quay phim Cinematic Mode kia sẽ có chỗ đứng ở đâu?

"Bản thân iPhone là một nền tảng di động, nên không cần thiết phải thay thế các hệ thống máy quay hạng nặng. Giống như một chiếc Tesla 4 chỗ, dù chạy nhanh hơn, êm hơn, nhiều công nghệ hơn xe tải, cũng không có nghĩa chúng ta dùng xe Tesla để thay thế xe tải, mà sẽ có xe tải điện thay thế xe tải động cơ đốt trong trong tương lai. Nói cách khác, các hệ thống máy quay hạng nặng sẽ tự thay đổi để phù hợp với những nhu cầu trong tương lai."

Theo Đức công nghệ Cinematic Mode có là tính năng đáng để người dùng nâng cấp lên iPhone 13 hay không? Một số ví dụ có thể áp dụng tính năng này vào công việc?

Trong buổi phỏng vấn với chúng tôi 2 năm trước, Đức đã từng chia sẻ rằng anh rất tin tưởng đồ Apple khi tham gia vào những buổi quay Mắt Biếc . Điều này được thể hiện bởi Đức đã sử dụng iPad để livestream từ máy quay giúp đạo diễn thay vì phải bó buộc vào một khu vực màn hình riêng, thì có thể tiếp cận thoải mái gần khu vực diễn xuất hơn. Mặt khác, Đức cũng đã đề cập đến việc dùng điện thoại để làm director viewfinder, giúp đạo diễn tìm ra khung hình trước, tuy nhiên vào thời điểm đó những giới hạn về kỹ thuật như độ rộng khung hình hoặc khả năng hiển thị DOF preview như director viewfinder truyền thống (gắn ống kính quay lớn) không có khiến cho việc này chưa thực hiện được.

Giám đốc kỹ thuật của hàng loạt phim Việt đình đám nói gì về công nghệ Cinematic Mode trên iPhone 13? - Ảnh 10.

Director Viewfinder truyền thống dạng gắn ống kính, rất cồng kềnh, ảnh của John Toll, ASC

Nhưng với Cinematic Mode "mình nghĩ sẽ tiện lợi hơn rất nhiều cho đạo diễn và DP (Đạo diễn hình ảnh) có thể preview và xác định trước hình ảnh mà họ mong muốn, khi chúng ta đã có hệ thống ống kính của iPhone 13 bao phủ tương đối đủ dải ống kính điện ảnh tiêu chuẩn, và cinematic mode để giả lập DOF.".

Giám đốc kỹ thuật của hàng loạt phim Việt đình đám nói gì về công nghệ Cinematic Mode trên iPhone 13? - Ảnh 11.

Ứng dụng Artemis, Director Viewfinder app

Mặt khác, với người dùng phổ thông hay những nhà làm phim nghiệp dư, Cinematic Mode hay iPhone 13 đều đáng để nâng cấp nếu người dùng mong muốn có một thiết bị ghi hình giá rẻ (so với những chiếc máy quay chuyên nghiêp) và chất lượng tốt cùng khả năng sử dụng tiện lợi dễ dàng.

Dự đoán của Đức trong tương lai gần của công nghệ quay video trên di động sẽ tiến xa đến đâu?

Có một khái niệm mà tôi rất thích trong bài đăng của Đức đó là Computational Photography hay nhiếp ảnh điện toán - một thuật ngữ giờ đây đã khá phổ biến trong những chiếc smartphone. Đó là AI, là hằng sa số những thuật toán xử lý giúp chúng ta dễ dàng hơn khi chụp và vẫn có được những bức ảnh đẹp, chất như chụp trên các thiết bị chuyên dụng. Và giờ đây một lần nữa nó được thể hiện trong cả việc quay video như Cinematic Mode mang đến khái niệm tương tự - Computational Cinematography hay điện ảnh điện toán. Đây có lẽ là bước tiến tiếp theo của công nghệ quay video trên di động.

Giám đốc kỹ thuật của hàng loạt phim Việt đình đám nói gì về công nghệ Cinematic Mode trên iPhone 13? - Ảnh 12.

Sự tiến bộ của công nghệ có thể tạo ra những vấn đề xã hội mới, cụ thể ở đây là các công cụ Deepfake giả dạng khuôn mặt. Ảnh deeptomcruise

Đức nhận xét: "Có thể chúng ta sẽ không cần cố gắng mô phỏng giác quan con người nữa, mà để công nghệ nhìn nhận thế giới theo cách của nó toàn diện hơn, có thể camera sẽ không cần lens nữa, màn hình không chỉ 2D nữa... Công nghệ đã tiến từ việc nỗ lực ghi nhận thực tại theo cách chúng ta thấy, trở thành tăng cường thực tại, và sắp tới sẽ là thay đổi thực tại theo mơ ước của chúng ta". "Công nghệ sẽ tiến xa đến mức nào có lẽ tùy đạo đức và quy chuẩn xã hội của chúng ta cho phép hay chấp nhận".

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan