Hóa ra nhạc phim Việt Nam 70 năm trước nghe như thế này, phim hot đến mức thuê máy bay lượn khắp Hà Nội để quảng cáo!

0

Bạn có muốn thử nghe giai điệu nhạc phim ra mắt từ năm 1953 không?

Ngày nay, khi xem xong một bộ phim chiếu rạp, hẳn không ít khán giả cũng sẽ chú ý đến ca khúc nhạc phim. Ca khúc nhạc phim là một "chất xúc tác" khiến cảm xúc của khán giả thăng hoa, đóng một phần không nhỏ trong sự thành công của một bộ phim. Nhiều dự án điện ảnh hiện nay cất công mời những cái tên "mát tay" trong việc hát nhạc phim như Phan Mạnh Quỳnh, Bùi Lan Hương, Lê Cát Trọng Lý... để thể hiện ca khúc chủ đề, càng làm cho khán giả thêm ấn tượng.

Vậy bạn đã bao giờ tự đặt câu hỏi, nhạc phim Việt Nam 70 năm về trước nghe sẽ ra sao? Có khác biệt nhiều so với các ca khúc nhạc phim hiện đại hay không? Vậy thì mời bạn trở về năm 1953 khi bộ phim Việt Nam có âm thanh đầu tiên được công chiếu tại Hà Nội - Kiếp Hoa.

Hóa ra nhạc phim Việt Nam 70 năm trước nghe như thế này, phim hot đến mức thuê máy bay lượn khắp Hà Nội để quảng cáo! - Ảnh 1.

Kiếp Hoa là một dự án điện ảnh đạo diễn bởi soạn giả cải lương Trần Lang, đánh dấu bộ phim Việt Nam đầu tiên có âm thanh. Từ những năm 20 của thế kỉ trước, Việt Nam đã có một số tác phẩm điện ảnh đầu tiên như Kim Vân Kiều (dựa trên Truyện Kiều của Nguyễn Du), Đồng Tiền Kẽm Tậu Được Ngựa (dựa trên truyện ngụ ngôn La Fontaine),... nhưng tất cả đều chỉ là phim câm. Thế nên việc một bộ phim có âm thanh như Kiếp Hoa ra mắt là một sự kiện "chấn động" vào thời bấy giờ.

“Ngày đó, Kiếp Hoa thực sự là một sự kiện nghệ thuật đình đám của đất Thăng Long. Tôi vẫn nhớ cảm giác choáng ngợp khi nhìn thấy người ta quảng bá bộ phim này bằng cách thuê nguyên một máy bay trực thăng rải các tờ bướm quảng cáo quanh hồ Gươm” - Ông Mai Văn Minh, một khán giả của Kiếp Hoa kể lại. Kiếp Hoa chính là một "bom tấn" của thời điểm bấy giờ, một "kì tích" khi điện ảnh Việt Nam lần đầu sản xuất được một bộ phim có âm thanh.

Hóa ra nhạc phim Việt Nam 70 năm trước nghe như thế này, phim hot đến mức thuê máy bay lượn khắp Hà Nội để quảng cáo! - Ảnh 2.

Tờ bướcm quảng cáo phim Kiếp Hoa năm 1953.

Ở Hà Nội, phim chiếu ở cả rạp Đại Nam và rạp Bắc Đô. Ở Sài Gòn, phim chiếu ở Nam Quang và Nam Việt, mỗi rạp cách nhau 30 phút. Mỗi suất chiếu rạp đều đông kín người, doanh thu lên đến 10 triệu đồng - con số doanh thu khổng lồ cách đây gần 7 thập kỉ.

 Công chúng khắp nơi người ta tìm mọi cách để đến rạp chiếu bóng xem Kiếp Hoa như một "mốt thời thượng", họ bàn tán rôm rả các tình tiết xoay quanh Kiếp Hoa, và ca khúc nhạc phim Kiếp Hoa cũng trở thành "hiện tượng" được đông đảo quần chúng cực kì yêu thích.

Dư Âm - nhạc phim Kiếp Hoa (1953)

Câu chuyện xoay quanh đoạn tình cảm nhiều bi kịch của 2 cô gái Ngọc Lan (Kim Chung) và Ngọc Thủy (Kim Xuân) với một kịch bản éo le cùng cái kết đầy ám ảnh. Mặc dù so với thời điểm hiện tại, kịch bản trên là motif "drama" khá quen thuộc nhưng đặt vào bối cảnh 68 năm về trước, đó thực sự là một "cuộc cách mạng" về phim ảnh, khiến cho hàng triệu khán giả Việt Nam lúc bấy giờ phải say mê.

Ở một trong những phân đoạn cuối cùng của Kiếp Hoa, hai chị em Ngọc Lan và Ngọc Thủy đã cất giọng thể hiện ca khúc Dư Âm của NS Nguyễn Văn Tý, vốn là một ca khúc cực kì nổi tiếng trong thời điểm đó bởi giai điệu dịu dàng cùng ca từ tuyệt đẹp. Ca khúc được sáng tác năm 1950 và được mang vào bộ phim với giọng hát thánh thót của hai nhân vật Ngọc Lan và Ngọc Thủy.

Dư Âm qua đó có thể xem là một trong những bản nhạc phim đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam. Qua bản Dư Âm trong phim Kiếp Hoa, công chúng có một cái nhìn rõ nét hơn về nét thanh lịch của người Hà Nội xưa, trong cung cách cư xử hằng ngày cũng như nét đẹp của người con gái lúc bấy giờ. Giọng hát của các nhân vật cũng có đôi chút khác biệt so với âm sắc Hà Nội hiện tại.

Trong bộ phim Kiếp Hoa còn có sự xuất hiện của các ca khúc Làng Tôi sáng tác bởi NS Văn Cao, Giọt Mưa Thu của NS Đặng Thế Phong, Cây Đàn Bỏ Quên của NS Phạm Duy - tất cả đều là những ca khúc kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam và do những nhạc sĩ "cây đa cây đề" sáng tác. Chỉ riêng phần âm nhạc của bộ phim Kiếp Hoa cũng đã đủ khiến bộ phim trở thành một kho tư liệu quý giá về nền nghệ thuật Việt Nam thập niên 50 của thế kỉ trước.

Phần trình diễn ca khúc Dư Âm trong Kiếp Hoa qua đó trở thành một đoạn tư liệu quý, thể hiện nét tài hoa của người xưa.

Clip: YouTube - Gif: cắt màn hình

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan