Được mệnh danh là "huyền thoại" của nền giáo dục Trung Quốc, cậu con trai Ngụy Vĩnh Khang của bà Tăng Học Mai ngay từ khi 2 tuổi đã thuộc hơn 1.000 chữ, 4 tuổi đã học xong tiểu học. Đặc biệt khi Ngụy Vĩnh Khang mới 13 tuổi, cậu đã trở thành sinh viên trẻ nhất tỉnh Hồ Nam khi thi đỗ vào khoa Vật lý của trường Đại học Tương Đàm.
Ngụy Vĩnh Khang khi đó đã trở thành hình mẫu của nhiều bậc phụ huynh và được mọi người tung hô là thần đồng. Gia đình và cha mẹ của cậu vô cùng tự hào và hãnh diện vì điều này.
Khi được phỏng vấn, bà Tăng Học Mai chia sẻ rằng, ngay từ khi còn mang thai Ngụy Vĩnh Khang bà đã tự xây dựng phương pháp giáo dục thai nhi và lên kế hoạch dạy con sau này. Điển hình là trong quá trình mang thai, 2 vợ chồng bà đều nói chuyện và kể chuyện cho con nghe mỗi ngày, bên cạnh đó họ cũng cho con nghe những bài thơ, bài hát nhẹ nhàng.
Sau khi Ngụy Vĩnh Khang chào đời, mẹ cậu đã bắt đầu đọc các bài thơ cổ cho cậu nghe. Theo bà Mai làm như vậy sẽ giúp con trai tích lũy vốn từ vựng và tăng khả năng ghi nhớ. Bà cho rằng, điều này lý giải vì sao con trai bà 2 tuổi đã biết hơn 1.000 từ và có thể vận dụng những từ này để nói thành câu đơn giản.
Hàng ngày ngoài việc học ra, Ngụy Vĩnh Khang không phải làm bất cứ việc nào khác, vì toàn bộ đã có mẹ cậu một tay xử lý. Bà Mai không chỉ bón cơm, rót nước, tắm giặt hàng ngày cho con, mà thậm chí cả khi con mắc tiểu bà cũng mang bô đến tận nơi cho con.
Ngay từ khi còn nhỏ cho đến lúc học đại học, bà Mai luôn ở bên chăm sóc và kèm cặp con trai. Nhưng cũng chính vì được bao bọc quá kỹ trong vòng tay của mẹ. Nên vào năm 17 tuổi, sau khi hoàn thành bậc đại học và học lên thạc sĩ tại Viện khoa học Trung Quốc (Bắc Kinh) đã khiến cuộc đời thần đồng trẻ tuổi này rơi vào bùn lầy.
Lý do vô cùng đơn giản đó là vì phía nhà trường yêu cầu nghiên cứu sinh phải sống và học tập nghiên cứu một mình, tức là cậu phải tự lập từ bây giờ chứ không còn được phụ thuộc vào mẹ nữa.
Lần đầu tiên trong đời rời khỏi vòng tay của mẹ, Ngụy Vĩnh Khang không thể tự mình giải quyết những việc sinh hoạt cá nhân đơn giản nhất.
Theo lời các bạn cùng trường kể lại, Ngụy Vĩnh Khang thường mặc một bộ quần áo liên tục không thay, mùa đông thời tiết lạnh 0 độ nhưng vẫn thấy cậu ăn vận một bộ quần áo mỏng manh ra ngoài như không có vấn đề gì.Không những không có khả năng giải quyết việc sinh hoạt cá nhân mà cả việc quản lý thời gian cũng như cách giao tiếp của Ngụy Vĩnh Khang cũng có vấn đề. Vì trước đây lo lắng con mải chơi quên việc học, nên bà Mai hạn chế tối đa việc con trai ra ngoài kết bạn. Toàn bộ thời gian của cậu đều dồn vào việc học.
Chính vì vậy, sau khi học lên thạc sĩ, cậu không thể hòa nhập được với các bạn nghiên cứu sinh khác, cũng không biết cách trao đổi nói chuyện với thầy giáo hướng dẫn.
Đỉnh điểm là vào buổi tốt nghiệp, cậu quên mất thời gian và bỏ lỡ cơ hội học lên tiến sĩ. Ngay sau đó Ngụy Vĩnh Khang bị trường buộc thôi học vì không thích nghi được với môi trường nghiên cứu.
Sự việc chấn động này khiến mọi người vô cùng bàng hoàng, đây là một cú sốc lớn với gia đình Ngụy Vĩnh Khang. Đứng trước áp lực và sự chỉ trích từ dư luận, bà Mai chia sẻ rằng bản thân từng gục ngã và đã từng ước con trai mau chết đi.
Tuy nhiên sau này bà Mai cũng nhận ra cách dạy con trước đây là sai lầm, nên đã tìm cách dạy lại con trai, hướng dẫn con trai từ những việc sinh hoạt nhỏ nhất, đồng thời dạy con lại cách chào hỏi giao tiếp với mọi người xung quanh.
Cũng nhờ có sự chỉ bảo lại của mẹ mà Ngụy Vĩnh Khang dần bắt nhịp lại với cuộc sống. Hiện tại Ngụy Vĩnh Khang 38 tuổi, đã lập gia đình và có một cuộc sống bình thường hạnh phúc.
DẠY CON, KHÔNG CHỈ DẠY KIẾN THỨC TRONG SÁCH VỞ
Từ câu chuyện của Ngụy Vĩnh Khang, có thể thấy ngay một thực tế, rằng nếu không được rèn rũa các kỹ năng sống, không có khả năng tự lo cho bản thân thì dù có là thần đồng, dù thành tích học tập có cao hơn bất cứ ai, đứa trẻ sau này cũng không thể thích nghi với xã hội, khi rời xa vòng tay bao bọc của cha mẹ.
Vậy nên trong suốt quá trình dạy dỗ con cái đầy gian nan, thay vì chỉ chú trọng đến kiến thức trong sách vở hay điểm số, các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian bồi dưỡng cho những con kỹ năng sống từ cơ bản đến khó, hãy để trẻ được học kỹ năng xử lý mọi việc bắt đầu từ những việc cá nhân, hãy giúp con rèn luyện nhân cách đạo đức, vun đắp cho trẻ sự tự tin mạnh dạn, kỹ năng giao tiếp, sự đồng cảm, thương yêu...
Chỉ khi tạo cho con một môi trường thuận lợi, để con có thể học hỏi và phát triển một cách toàn diện, chúng mới có thể tồn tại, không bị đẩy lại phía sau khi bước vào xã hội đầy khắc nghiệt.
BÌNH LUẬN (0)