Không biết có ai như tôi không, thời đi học, tôi đã từng chẳng trông mong tới ngày khai giảng.
Ừ, thì thế! Những ngày cuối hè dù chộn rộn chuẩn bị tập vở cho năm học mới nhưng dường như cái tâm trạng ấy ít khi nào có chỗ cho ngày lễ khai giảng. Tôi chỉ ước là giá như năm học bắt đầu luôn bằng tiết học đầu tiên để tôi nhanh tụm năm, tụm bảy với tụi bạn mà suốt mấy tháng hè không gặp.
Tôi ghét đứng dưới sân trường ngập nắng, mồ hôi nhễ nhại, ngáp ngắn ngáp dài nhưng vẫn phải nghiêm túc theo dõi từng diễn tiến buổi lễ. Nhưng rồi, quay đi quay lại, cũng tới lễ bế giảng năm lớp 12.
Thế là mình đã trưởng thành.
Tôi giật mình: "Hè này mình không còn phải dành thời gian cho việc ra hiệu sách chọn bìa vở, giấy bao, nhãn tên, không phải lo cặp sách, đồng phục nữa!"
Nhưng, điều tôi chưng hửng nhất là tại sao, đến khi khép lại hành trình 12 năm đi học.. tôi mới biết, thì ra mình không hề ghét lễ khai giảng đến thế. Tôi đã ước, chỉ thêm một lần thôi, mình được bé lại rồi đứng giữa sân trường, bên cạnh là những đứa bạn mà mình thân thiết, lần đó, tôi sẽ dự lễ khai giảng thật trọn vẹn.
Hôm nay, tôi muốn làm sống dậy những ký ức tươi đẹp của những ngày tựu trường đã qua, có được không?
Nếu được quay trở lại thời đi học, tôi ước mình sẽ không kỳ kèo, trễ giờ với đám bạn khi được rủ đi hiệu sách mua đồ chuẩn bị cho năm học mới. Tôi cá là mình cũng sẽ thích thú với chuyện lựa vở, lựa bút sao cho hợp, rồi chọn bao bìa, nhãn tên sao cho nghệ nghệ, ngầu ngầu.
Tôi sẽ cố tạt ngang qua tiệm tóc đầu đường, gọt lại quả đầu mình để dài thườn thượt ba tháng hè mà thời ấy cứ nghĩ là “mốt” để tới trường không bị thầy cô bắt vì vi phạm nội quy ngày đầu năm. Còn với tụi con gái, tôi biết thể nào cũng sẽ chạy vào trung tâm thương mại hay một tiệm mỹ phẩm nào gần nhà, tậu lấy cây son có màu trông thích mắt để “chưng diện” mỗi sáng đến lớp.
Nếu trở lại ngày ấy, tôi cũng sẽ háo hức lắm việc được chat chit với lũ bạn để xem năm nay ai sẽ là giáo viên chủ nhiệm, rồi lại nghĩ ra hàng trăm kịch bản để nghĩ cách đối phó với thầy cô nếu không may người được phân công quản lớp là một giáo viên khó có tiếng.
Nếu trở lại, ngày tựu trường tôi sẽ cố bám lấy đứa bạn mà mình thân thiết để được giáo viên xếp ngồi cạnh. Còn nếu không thì cũng phải là một đứa học hành cũng được một tẹo, quan trọng hơn hết là dễ nhờ vả để năm học này của cả tôi và nó cùng trôi qua một cách êm đềm nhất.
Nếu trở lại, tôi ước ngày khai giảng, mình sẽ đặt báo thức thật sớm, rồi khoác lên mình chiếc áo trắng tinh còn thơm mùi nước xả vải mà mẹ đã ủi từ đêm trước. Rồi tôi lại đứng ở đầu ngõ, chờ đứa bạn cùng đến lớp bằng chiếc xe cà tàng. Tôi sẽ chạy qua hàng xôi gà nóng hôi hổi quen thuộc trước cổng trường để mua quà sáng.
Tôi sẽ cùng với đám con trai chạy vào kho trường giành lấy chồng ghế nhìn có vẻ bớt xiên xẹo nhất về cho lớp rồi tìm cách đánh dấu trước khi xếp ra sân. Sau đó lại tìm cái bảng tên lớp mình lau đi lớp bụi của 3 tháng hè. Lần này, tôi sẽ xung phong đứng đầu hàng để được cầm cờ chứ không nép phía sau hay tỏ ra than vãn mỗi khi được phân công nữa.
Tôi nhớ ngày khai giảng của năm lớp 10, khi mới bước chân vào cấp 3, khoảnh khắc mình được các thầy cô, các anh chị khối trên đồng loạt đứng dậy vỗ tay để chào đón cứ... buồn cười thế nào. Từng lớp cứ tiến vào khu vực sân trường khi được giới thiệu như một đoàn diễu hành kéo dài cả 15 phút. Trông mặt đứa nào đứa nấy cũng ngại ngùng và ngơ ngác đi giữa rừng người, trong đó có cả tôi.
Lên lớp lớn, tôi lại ở vị trí của đàn anh đàn chị để chứng kiến các em khóa dưới cũng được chào đón y chang mình năm trước. Không biết có ai như tôi không, tôi sẽ cố rảo mắt để tìm trong đoàn diễu hành học sinh mới ấy những gương mặt nam thần, nữ thần học đường, xem thử tụi nhỏ năm nay có gì đặc biệt không.
Nếu được dự khai giảng đầu cấp một lần nữa, tôi sẽ cố tươm tất hơn để trông đỡ tồ nhất trong hàng. Tôi cũng sẽ không đặt tay lên trán khi chào cờ như thói quen hồi cấp 2 để cả trường phải bụm miệng cười nữa.
Đó là vài thứ nhỏ nhặt tôi ước mình sẽ được trải qua thêm một lần nữa. Bạn đã bỏ lỡ điều gì trong những mùa khai giảng đã qua?
Hẳn là phải có rất nhiều, rất nhiều!
Sau này tôi mới nhận ra, khai giảng đâu chỉ có những nghi thức, diễn văn và những tiết mục văn nghệ "ôi hàng cây xanh thắm...". Tiếng trống tựu trường rôm rả ngày đầu năm học khiến mỗi người bất giác chợt nhận ra, năm nay mình đã lớn hơn rồi, đã lên lớp mới và không còn nhỏ nữa. Mỗi mùa khai giảng nhìn lại bản thân ta lại thấy mình thay đổi đi đôi chút, trưởng thành hơn, tâm tư hơn. Và cứ thế, tiếng trống khai giảng mỗi năm lại thúc giục bản thân mỗi người bắt đầu suy nghĩ cho tương lai nhiều hơn.
Ừ thì năm nào cũng khai giảng mà, có gì đâu. Nhưng mỗi người chỉ có 12 lần để nói “năm nào” như thế. Rồi sẽ sớm thôi, 12 mùa tựu trường ấy trôi qua thoăn thoắt, rồi bạn sẽ chẳng có lại được cái cảm giác khoác lên mình chiếc áo trắng đứng giữa sân trường đầy nắng nghe tiếng trống khai giảng với tư cách là một học sinh nữa đâu.
Năm nay, ai cũng biết điều gì đang xảy ra giữa mùa mà đáng lẽ học sinh khắp nơi đang nô nức áo mới tới trường. Nhưng mọi thứ đã bị đảo ngược hoàn toàn. Hẳn, ai đã từng nói “năm nào cũng khai giảng mà, có gì đâu” đang tiếc nuối lắm. Vì lễ khai giảng theo lẽ dĩ nhiên trong ký ức của nhiều người là chuyện được đến trường tay bắt mặt mừng với bạn bè, ríu rít rôm rả với nhau dưới sân trường chứ không phải là trước màn hình ti vi hay smartphone như bây giờ.
Tôi chưa từng nghĩ đến viễn tưởng một đại dịch nào xảy đến làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người như hiện tại. Tôi cũng chưa từng nghĩ đến truyền thống tựu trường hàng chục năm qua có thể bị xáo trộn nhiều đến thế.
Tôi biết có nhiều bạn cuối cấp mong chờ lắm ngày khai giảng cuối cùng của đời học sinh diễn ra thật trọn vẹn để mỗi người lại có thêm động lực cho hành trình còn lại trước khi đến với cánh cửa đại học. Cũng có các cô cậu đầu cấp hẳn đã rất nôn nao để được đi trong hàng ngũ của những học sinh mới, phía dưới là tiếng vỗ tay liên hồi của mọi người. Nhưng điều đó thật khó xảy ra ở nhiều nơi.
Dù lễ khai giảng năm nay chỉ được thấy thầy cô, bạn bè qua màn hình nhưng... bạn ơi, không sao cả. Hãy suy nghĩ tích cực để thấy rằng, thật may vì buổi lễ vẫn được diễn ra, vẫn còn tiếng trống trường để gợi nhắc một năm học mới đã tới, vẫn còn tiếng thầy cô dặn dò mình phải gắng học tập. Cùng trải qua lễ khai giảng đặc biệt của năm nay, biết đâu bạn sẽ như tôi mà nhận ra rằng, thì ra mình yêu khoảnh khắc ấy đến thế nào. Một sự thay đổi để bạn thêm trân trọng những gì mình từng có.
Trong những phút giây đầu tiên của năm học đặc biệt này, hãy lục lại những mảng ký ức về ngày tựu trường mà bạn đã có, để dù không đứng giữa sân trường đầy ắp những âm thanh rộn rã thì trong bạn vẫn còn đó những cảm xúc trọn vẹn cho ngày khai giảng.
Một ngày nào đó, sẽ sớm thôi, chúng ta sẽ lại được đến trường, được ngồi với bạn bè kể cho nhau nghe về mùa hè mình đã trải qua, về những dự định, mong ước trong năm học mới. Sớm thôi, sân trường sẽ được lấp đầy bằng tiếng nói cười rộn rã của chúng ta mỗi sáng.
Chào nhé, năm học mới!
Ừ, thì thế! Những ngày cuối hè dù chộn rộn chuẩn bị tập vở cho năm học mới nhưng dường như cái tâm trạng ấy ít khi nào có chỗ cho ngày lễ khai giảng. Tôi chỉ ước là giá như năm học bắt đầu luôn bằng tiết học đầu tiên để tôi nhanh tụm năm, tụm bảy với tụi bạn mà suốt mấy tháng hè không gặp.
Tôi ghét đứng dưới sân trường ngập nắng, mồ hôi nhễ nhại, ngáp ngắn ngáp dài nhưng vẫn phải nghiêm túc theo dõi từng diễn tiến buổi lễ. Nhưng rồi, quay đi quay lại, cũng tới lễ bế giảng năm lớp 12.
Thế là mình đã trưởng thành.
Tôi giật mình: "Hè này mình không còn phải dành thời gian cho việc ra hiệu sách chọn bìa vở, giấy bao, nhãn tên, không phải lo cặp sách, đồng phục nữa!"
Nhưng, điều tôi chưng hửng nhất là tại sao, đến khi khép lại hành trình 12 năm đi học.. tôi mới biết, thì ra mình không hề ghét lễ khai giảng đến thế. Tôi đã ước, chỉ thêm một lần thôi, mình được bé lại rồi đứng giữa sân trường, bên cạnh là những đứa bạn mà mình thân thiết, lần đó, tôi sẽ dự lễ khai giảng thật trọn vẹn.
Hôm nay, tôi muốn làm sống dậy những ký ức tươi đẹp của những ngày tựu trường đã qua, có được không?
Nếu được quay trở lại thời đi học, tôi ước mình sẽ không kỳ kèo, trễ giờ với đám bạn khi được rủ đi hiệu sách mua đồ chuẩn bị cho năm học mới. Tôi cá là mình cũng sẽ thích thú với chuyện lựa vở, lựa bút sao cho hợp, rồi chọn bao bìa, nhãn tên sao cho nghệ nghệ, ngầu ngầu.
Tôi sẽ cố tạt ngang qua tiệm tóc đầu đường, gọt lại quả đầu mình để dài thườn thượt ba tháng hè mà thời ấy cứ nghĩ là “mốt” để tới trường không bị thầy cô bắt vì vi phạm nội quy ngày đầu năm. Còn với tụi con gái, tôi biết thể nào cũng sẽ chạy vào trung tâm thương mại hay một tiệm mỹ phẩm nào gần nhà, tậu lấy cây son có màu trông thích mắt để “chưng diện” mỗi sáng đến lớp.
Nếu trở lại ngày ấy, tôi cũng sẽ háo hức lắm việc được chat chit với lũ bạn để xem năm nay ai sẽ là giáo viên chủ nhiệm, rồi lại nghĩ ra hàng trăm kịch bản để nghĩ cách đối phó với thầy cô nếu không may người được phân công quản lớp là một giáo viên khó có tiếng.
Nếu trở lại, ngày tựu trường tôi sẽ cố bám lấy đứa bạn mà mình thân thiết để được giáo viên xếp ngồi cạnh. Còn nếu không thì cũng phải là một đứa học hành cũng được một tẹo, quan trọng hơn hết là dễ nhờ vả để năm học này của cả tôi và nó cùng trôi qua một cách êm đềm nhất.
Nếu trở lại, tôi ước ngày khai giảng, mình sẽ đặt báo thức thật sớm, rồi khoác lên mình chiếc áo trắng tinh còn thơm mùi nước xả vải mà mẹ đã ủi từ đêm trước. Rồi tôi lại đứng ở đầu ngõ, chờ đứa bạn cùng đến lớp bằng chiếc xe cà tàng. Tôi sẽ chạy qua hàng xôi gà nóng hôi hổi quen thuộc trước cổng trường để mua quà sáng.
Tôi sẽ cùng với đám con trai chạy vào kho trường giành lấy chồng ghế nhìn có vẻ bớt xiên xẹo nhất về cho lớp rồi tìm cách đánh dấu trước khi xếp ra sân. Sau đó lại tìm cái bảng tên lớp mình lau đi lớp bụi của 3 tháng hè. Lần này, tôi sẽ xung phong đứng đầu hàng để được cầm cờ chứ không nép phía sau hay tỏ ra than vãn mỗi khi được phân công nữa.
Tôi nhớ ngày khai giảng của năm lớp 10, khi mới bước chân vào cấp 3, khoảnh khắc mình được các thầy cô, các anh chị khối trên đồng loạt đứng dậy vỗ tay để chào đón cứ... buồn cười thế nào. Từng lớp cứ tiến vào khu vực sân trường khi được giới thiệu như một đoàn diễu hành kéo dài cả 15 phút. Trông mặt đứa nào đứa nấy cũng ngại ngùng và ngơ ngác đi giữa rừng người, trong đó có cả tôi.
Lên lớp lớn, tôi lại ở vị trí của đàn anh đàn chị để chứng kiến các em khóa dưới cũng được chào đón y chang mình năm trước. Không biết có ai như tôi không, tôi sẽ cố rảo mắt để tìm trong đoàn diễu hành học sinh mới ấy những gương mặt nam thần, nữ thần học đường, xem thử tụi nhỏ năm nay có gì đặc biệt không.
Nếu được dự khai giảng đầu cấp một lần nữa, tôi sẽ cố tươm tất hơn để trông đỡ tồ nhất trong hàng. Tôi cũng sẽ không đặt tay lên trán khi chào cờ như thói quen hồi cấp 2 để cả trường phải bụm miệng cười nữa.
Đó là vài thứ nhỏ nhặt tôi ước mình sẽ được trải qua thêm một lần nữa. Bạn đã bỏ lỡ điều gì trong những mùa khai giảng đã qua?
Hẳn là phải có rất nhiều, rất nhiều!
Sau này tôi mới nhận ra, khai giảng đâu chỉ có những nghi thức, diễn văn và những tiết mục văn nghệ "ôi hàng cây xanh thắm...". Tiếng trống tựu trường rôm rả ngày đầu năm học khiến mỗi người bất giác chợt nhận ra, năm nay mình đã lớn hơn rồi, đã lên lớp mới và không còn nhỏ nữa. Mỗi mùa khai giảng nhìn lại bản thân ta lại thấy mình thay đổi đi đôi chút, trưởng thành hơn, tâm tư hơn. Và cứ thế, tiếng trống khai giảng mỗi năm lại thúc giục bản thân mỗi người bắt đầu suy nghĩ cho tương lai nhiều hơn.
Ừ thì năm nào cũng khai giảng mà, có gì đâu. Nhưng mỗi người chỉ có 12 lần để nói “năm nào” như thế. Rồi sẽ sớm thôi, 12 mùa tựu trường ấy trôi qua thoăn thoắt, rồi bạn sẽ chẳng có lại được cái cảm giác khoác lên mình chiếc áo trắng đứng giữa sân trường đầy nắng nghe tiếng trống khai giảng với tư cách là một học sinh nữa đâu.
Năm nay, ai cũng biết điều gì đang xảy ra giữa mùa mà đáng lẽ học sinh khắp nơi đang nô nức áo mới tới trường. Nhưng mọi thứ đã bị đảo ngược hoàn toàn. Hẳn, ai đã từng nói “năm nào cũng khai giảng mà, có gì đâu” đang tiếc nuối lắm. Vì lễ khai giảng theo lẽ dĩ nhiên trong ký ức của nhiều người là chuyện được đến trường tay bắt mặt mừng với bạn bè, ríu rít rôm rả với nhau dưới sân trường chứ không phải là trước màn hình ti vi hay smartphone như bây giờ.
Tôi chưa từng nghĩ đến viễn tưởng một đại dịch nào xảy đến làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người như hiện tại. Tôi cũng chưa từng nghĩ đến truyền thống tựu trường hàng chục năm qua có thể bị xáo trộn nhiều đến thế.
Tôi biết có nhiều bạn cuối cấp mong chờ lắm ngày khai giảng cuối cùng của đời học sinh diễn ra thật trọn vẹn để mỗi người lại có thêm động lực cho hành trình còn lại trước khi đến với cánh cửa đại học. Cũng có các cô cậu đầu cấp hẳn đã rất nôn nao để được đi trong hàng ngũ của những học sinh mới, phía dưới là tiếng vỗ tay liên hồi của mọi người. Nhưng điều đó thật khó xảy ra ở nhiều nơi.
Dù lễ khai giảng năm nay chỉ được thấy thầy cô, bạn bè qua màn hình nhưng... bạn ơi, không sao cả. Hãy suy nghĩ tích cực để thấy rằng, thật may vì buổi lễ vẫn được diễn ra, vẫn còn tiếng trống trường để gợi nhắc một năm học mới đã tới, vẫn còn tiếng thầy cô dặn dò mình phải gắng học tập. Cùng trải qua lễ khai giảng đặc biệt của năm nay, biết đâu bạn sẽ như tôi mà nhận ra rằng, thì ra mình yêu khoảnh khắc ấy đến thế nào. Một sự thay đổi để bạn thêm trân trọng những gì mình từng có.
Trong những phút giây đầu tiên của năm học đặc biệt này, hãy lục lại những mảng ký ức về ngày tựu trường mà bạn đã có, để dù không đứng giữa sân trường đầy ắp những âm thanh rộn rã thì trong bạn vẫn còn đó những cảm xúc trọn vẹn cho ngày khai giảng.
Một ngày nào đó, sẽ sớm thôi, chúng ta sẽ lại được đến trường, được ngồi với bạn bè kể cho nhau nghe về mùa hè mình đã trải qua, về những dự định, mong ước trong năm học mới. Sớm thôi, sân trường sẽ được lấp đầy bằng tiếng nói cười rộn rã của chúng ta mỗi sáng.
Chào nhé, năm học mới!
Design: Mai Linh / Kenh14.vn
BÌNH LUẬN (0)