'Nếu 5 - 10 năm nữa, lỡ ba mẹ bị gì thì mình có tiền lo cho họ không? Mình có tiền làm đám ma cho họ không?'


                                    'Nếu 5 - 10 năm nữa, lỡ ba mẹ bị gì thì mình có tiền lo cho họ không? Mình có tiền làm đám ma cho họ không?'

Đó là suy nghĩ của Trần Nguyễn Duy Tuấn khi bắt đầu startup năm 19 tuổi. Bây giờ ở tuổi 23, Tuấn đã có 3 lần startup và vô số bài học, kinh nghiệm trên con đường khởi nghiệp.

Trần Nguyễn Duy Tuấn

Sinh năm 1998

  • Hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM

  • Founder dự án công nghệ - Coolbrace

  • Giải nhất Vietnam Startup Wheel 2019

  • Chiến thắng 2020 Asia-Pacific Low Carbon Lifestyles Challenge (Lối sống Carbon thấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2020)

#18 tuổi #ra riêng #bỏ học đại học

Tuấn thuê nhà ra ở riêng năm 18 tuổi, dù ba mẹ cũng ở TP.HCM. Lý do là không hợp với gia đình. Thế nên để đỡ phải xin phép giờ giấc đi sớm về muộn, vui chơi hay công việc, Tuấn dọn sang ở chung nhà với bạn ngay khi học xong cấp 3.

Ở riêng và đi học đại học được 3 tháng thì Tuấn bỏ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định này. "Thứ nhất, mình quá đam mê việc chế tạo. Thứ 2, nhà mình nghèo, không đủ tiền để mình có thể đi học tiếp. Và thứ 3, một lý do phụ là mình học rất tệ", Tuấn kể lại. Ngược trở lại con đường học hành thì từ năm lớp 1 - 8, cậu bạn đều là học sinh giỏi, không nhất thì nhì mọi bảng thành tích. Nhưng một sự cố xảy ra vào năm lớp 8 khiến Tuấn không hứng thú với việc học và bỏ bê từ đó. Hết lớp 12, cậu bạn vừa đủ điểm tốt nghiệp cấp 3, không đủ điểm xét tuyển vào trường đại học nào nhưng nhờ cuộc thi tuyển sinh ở một ĐH tư nên vẫn thành tân sinh viên.

Sau khi bỏ học, Tuấn bắt đầu đi làm những việc tay chân để kiếm sống hàng ngày. Công việc đầu tiên là ở Lotteria, mỗi ngày cậu bạn đều phải dậy sớm để đến xếp gà vào kho - chuẩn bị bếp - đun nóng dầu - rán gà. Quy trình lặp đi lặp lại quá nhàm chán nên Tuấn nghỉ sau 2 tháng rồi tìm một công việc khác, vẫn là tay chân vì "cái level của mình ở đó thì mình chỉ làm được những việc đó thôi".

Nếu 5 - 10 năm nữa, lỡ ba mẹ bị gì thì mình có tiền lo cho họ không? Mình có tiền làm đám ma cho họ không? - Ảnh 2.

Trần Nguyễn Duy Tuấn

Với mục đích phải nâng level lên, Tuấn apply vào Share Car For Ads - 1 công ty quảng cáo trên xe ô tô với công việc đóng mộc hợp đồng. Sau một thời gian, Tuấn quyết định khởi nghiệp: "Quá trình làm việc ở đây giúp ích mình rất nhiều. Từ việc mình có thể chủ động về thời gian, mục tiêu công việc đến cách làm việc, vận hành,... của sếp khiến mình hiểu ra rằng có nhiều thứ phải học (và bây giờ vẫn đang học) nếu muốn điều khiển một mô hình kinh doanh, rằng không phải cứ có sản phẩm và đem bán xong là xong. Vấn đề không nằm ở đó".

#19 tuổi #startup đầu tiên #block khách hàng

Năm 19 tuổi (năm 2017), Tuấn mở công ty đầu tiên với sản phẩm là bộ thiết bị tự động giúp tiết kiệm điện ở homestay, khách sạn. Sản phẩm này được chế tạo bởi Tuấn và người bạn thân tên Khanh. Ở phiên bản đầu tiên, bộ thiết bị được bán với giá 5 triệu đồng và có khoảng 20 người trả tiền đặt hàng.

"Trong số những khách hàng này có một chị đặt lắp sản phẩm cho căn biệt thự ở Quận 2. Sau khi lắp đặt xong xuôi, kiểm tra hoạt động bình thường, tụi mình nhận tiền rồi đi về. Ngay 10h đêm hôm đó, khách gọi điện thông báo có vấn đề. Tụi mình rất lo và hẹn lên fix vào ngày mai. Tuy nhiên đó không phải là lần fix duy nhất, sau 7 lần đi qua đi lại ở căn biệt thự đó thì khách không còn đủ kiên nhẫn nữa, kêu tụi mình tháo ra và hoàn tiền.

Chị khách nói sẽ chịu 50% còn tụi mình trả lại 50%. Và đây chính là lúc xuất hiện sai lầm đầu đời của mình, mình không hoàn tiền và block chị khách đó. Có nhiều lý do cho quyết định này như tụi mình hết tiền để hoàn, tâm lý 1 phần lỗi đến từ phía khách hàng, tụi mình còn quá trẻ... nhưng cái quan trọng nhất vẫn là vấn đề trong suy nghĩ và đạo đức kinh doanh của mình. Với cái tư duy block như vậy, trong bản thân mình đã có gì đó bị khiếm khuyết rồi. Cái điểm bị khuyết này có thể dẫn đến những suy nghĩ sai lầm khác, tác động đâu đó đến quá trình startup của mình.

Suốt 2 năm sau, mình sống trong một nỗi lo nơm nớp - nỗi sợ bị bóc phốt. Nhưng càng trưởng thành thì khi nhận ra cái sai, người ta sẽ phải càng tìm cách giải quyết tốt nhất. Đến năm 2020, mình mới đủ can đảm để giải quyết sai lầm này. Mình quay lại xin lỗi chị khách nọ rồi hoàn lại tiền, gồm 100% tiền sản phẩm (5 triệu đồng) và 5 triệu đồng như một khoản đền bù cho người ta vì mình có lỗi. Chị khách cũng rất tử tế, nhận lời xin lỗi và số tiền được bù mà không trách móc hay gì khác" - Tuấn kể về sai lầm nhớ đời.

Nếu 5 - 10 năm nữa, lỡ ba mẹ bị gì thì mình có tiền lo cho họ không? Mình có tiền làm đám ma cho họ không? - Ảnh 3.

Trong 3 năm tồn tại của công ty này, Tuấn còn trải qua nhiều sai lầm khác nữa vì cảm tính và còn quá trẻ. Vốn dĩ bắt đầu startup năm 19 tuổi không phải chuyện dễ dàng gì. Thế nhưng có lẽ nhiều người không ngờ được rằng khi mở công ty, cảm giác duy nhất của Tuấn là vui vì được làm chủ, không hề thấy áp lực cũng không nghĩ đến bất kì 1 vấn đề gì khác.

Lý giải cảm giác khi đó, Tuấn cho biết: "Đăng ký doanh nghiệp lần đầu tiên là một cái gì đó rất to bự đối với bản thân mình. Thứ nhất, đó là cái để mình chứng tỏ với bạn bè rằng 'bản thân tao có giá trị, tao làm được những việc mà người khác có thể không làm được'. Thứ 2, mình muốn chứng tỏ cho gia đình biết là mình đã lớn rồi.

Cảm giác này có thể đúng với việc ngày càng nhiều bạn trẻ muốn và thích làm chủ. Họ nghĩ rằng nó chứng tỏ cho bạn bè, người thân và MXH thấy họ đang trưởng thành, đang làm được 1 cái gì đó. Gen Z mà, thích chứng tỏ lắm. Nhưng sau 1 thời gian mình thấy việc đó vô nghĩa. Được mọi người ca tụng, gọi vốn thành công, chứng tỏ bản thân,... mọi thứ rất vô nghĩa đối với một doanh nhân. Bởi khi là doanh nhân, việc đầu tiên, mục đích đầu tiên chỉ là kiếm tiền, tất cả những việc khác đều phục vụ cho việc này. 'Kiếm tiền là trên hết, làm sao để kiếm được tiền để trả lương cho người khác, để mình sống' là cái mà sau này mình mới ngộ ra được".

Nếu 5 - 10 năm nữa, lỡ ba mẹ bị gì thì mình có tiền lo cho họ không? Mình có tiền làm đám ma cho họ không? - Ảnh 4.

#22 tuổi #thất bại #startup thứ 2

Đầu năm 2020, đợt dịch Covid-19 đầu tiên diễn ra ở Việt Nam. Trước đó startup của Tuấn hết tiền nên bắt đầu đi gọi vốn và gọi được một quỹ đầu tư ở Việt Nam. Hai bên đã đi đến bước xem xét hợp đồng, bản thân Tuấn còn chắc mẩm: "Ok! Cái deal này ăn chắc rồi đó" và nghĩ sẽ có tiền để chạy tiếp trong vòng 2 năm nữa. Nhưng người tính không bằng trời tính, vào đêm bệnh nhân thứ 17 xuất hiện (6/3/2020), tất cả mọi thứ sụp đổ. Nói theo cách của Tuấn là "nguyên cái công ty 'bay màu' sau đêm đó".

Trong vòng 3 ngày đầu tiên từ khi ca bệnh được công bố, toàn bộ đơn hàng (gần 100 đơn) bị huỷ vì lý do dịch bệnh, homestay đóng cửa nên chưa cần lắp các thiết bị tiết kiệm điện. Tiếp theo, phía quỹ đầu tư cũng không sẵn sàng cho một portfolio (danh mục đầu tư) mới, chỉ tập trung cho những cái cũ nên cũng huỷ luôn. Tất cả kết thúc chặng đường 3 năm của một startup.

"Thật ra sự kiện bệnh nhân số 17 chỉ là cú chốt cho sự thất bại của mình thôi còn thực tế, quá trình đã bắt đầu từ 1 năm trước. Lý do là mình không nhanh, tức là không quyết liệt để triển khai plan và khai thác hết nguồn lực mà mình có. Trong 1 năm (2019 - 2020), mình rất bình thản, không có động lực thúc đẩy phát triển công ty hơn nữa vì thấy quá sướng rồi, thấy mọi thứ đã đâu vào đấy và chỉ cần làm tà tà là đủ. Sau này mình mới nhận ra đó là lý do chính khiến công ty của mình fail" - Tuấn kể lại bài học sau khi startup đầu tiên thất bại.

Nếu 5 - 10 năm nữa, lỡ ba mẹ bị gì thì mình có tiền lo cho họ không? Mình có tiền làm đám ma cho họ không? - Ảnh 5.

Ở thời điểm đó, co-team của Tuấn đã làm việc không lương 2 - 3 tháng nên ai cũng đuối và mất hết động lực. Tương lai cũng không hề rõ ràng khi có plan next-step nhưng bước đầu còn chưa đi được nên cả team chia tay nhau, ai đi đường nấy. Mọi người chuyển sang làm thuê, làm thêm cho các công ty khác còn Tuấn tiếp tục next-step, chính là startup thứ 2.

Khoảng tháng 4/2020, nhiều người kêu ca giá điện tăng cao mà không biết lý do vì sao. Cùng với 1 co-founder khác, Tuấn tìm hiểu xem vấn đề nằm ở đâu và khảo sát khoảng 200 người tiêu dùng thì kết quả là mọi người không quản lý được việc tiêu thụ điện của các thiết bị trong nhà. Tuấn cùng người đồng hành bắt tay vào làm 1 thiết bị gắn vào cầu dao tổng để cho biết trong nhà có thiết bị nào đang hoạt động, lượng điện tiêu thụ là bao nhiêu,... thông tin được báo về app riêng. Sau 2 tháng team chốt được khoảng 70 - 80 đơn hàng.

Tuy nhiên sau khi nhận pre-order xong, Tuấn không chạy tiếp để có sản phẩm giao cho khách hàng mà trả lại toàn bộ tiền rồi nhảy qua tệp khác là doanh nghiệp. Đó là một bước đi sai lầm: "Các doanh nghiệp chủ động tìm đến với tụi mình, chủ yếu là nhóm F&B (Food and Beverage Service) và các chuỗi cửa hàng. Vì họ có nhiều cơ sở nên tiền điện hàng tháng rất lớn. Ví dụ, mỗi tháng 1 cửa hàng Pizza 4P's phải trả một khoản tiền điện khá lớn mà không biết tại sao phải trả như vậy. Tụi mình bắt đầu tham lam chuyển qua doanh nghiệp. Sai lầm ở chỗ mình mang tất cả mọi thứ từ nghiên cứu, sản xuất, giao diện và trải nghiệm app,... từng làm trên tệp người tiêu dùng để áp lên tệp doanh nghiệp và nó không matching với nhau. Bên cạnh đó khi làm với doanh nghiệp, sales cycle (chu kỳ bán hàng) và payment (thanh toán) của họ rất khác với người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng thích thì họ mua cái bộp và trả tiền là xong thì doanh nghiệp phải trải qua các phòng ban, các level rồi chờ duyệt rất lâu mới có kết quả. Cuối cùng đến tháng 1/2021, sau 8 tháng làm với doanh nghiệp và gần 1 năm kể từ khi bắt đầu, mình thấy không thể chạy tiếp được nữa nên stop dự án này".

#23 tuổi #startup thứ 3 #lockdown

Sau khi fail dự án này, Tuấn về làm phát triển sản phẩm cho Foodmap - trang thương mại điện tử về nông sản. Được khoảng 6 tháng, anh chàng có idea mới và cùng co-team (là các thành viên cũ từ startup đầu tiên) bắt tay vào làm nhưng mới chạy khoảng 1 tháng thì đợt dịch tiếp theo bùng ở TP.HCM, phải dừng đến hiện tại.

Những sản phẩm mà Tuấn làm ra đều hướng đến mục đích giảm CO2 và bảo vệ môi trường, sản phẩm thứ 3 (Coolbrace) - vòng tay có thể làm lạnh hoặc làm ấm cơ thể không ngoại lệ. "Đôi khi cơ thể chúng ta cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh thì vấn đề chính mà chiếc vòng tay này giải quyết là giúp cơ thể dễ chịu hơn. Nếu dùng vòng tay này ở một số trường hợp không quá nóng thì nó sẽ giảm thiểu việc sử dụng điều hoà, tức là giảm lượng khí nhà kính thải ra môi trường và tiết kiệm điện" - Tuấn giải thích về sản phẩm của mình.

Nếu 5 - 10 năm nữa, lỡ ba mẹ bị gì thì mình có tiền lo cho họ không? Mình có tiền làm đám ma cho họ không? - Ảnh 6.

Vòng tay giúp làm lạnh hoặc làm ấm cơ thể

Ngay trước lockdown, Tuấn cùng co-team đã chạy thử chiến dịch gọi vốn cộng đồng và nhận được kha khá email đăng ký đặt hàng, khoảng hơn 100 cái. Vì vậy mà cả team vẫn đang chờ hết lockdown để bắt đầu chiến dịch chính thức, từ đó mới lấy tiền đặt hàng để làm tiếp sản phẩm và phát triển dự án.

Kể về dự định tương lai, Tuấn hé lộ rằng sẽ đăng kí đi Shark Tank khi chương trình tiếp tục tổ chức: "Mục đích mình muốn hướng đến chủ yếu là marketing vì sản phẩm của mình tập trung vào Gen Millennials và Gen Z, những người tin rằng công nghệ sẽ khiến cho họ có cuộc sống tốt hơn. Họ cũng chỉ cần thích là mua mà không suy nghĩ, đắn đo gì hết".

Gia đình, ngoại hình và những điều chưa kể

Bắt đầu từ đây sẽ là những tâm sự, suy nghĩ và cả bài học mà Tuấn có được sau ngần ấy thời gian startup:

"Mình bắt đầu startup với mong muốn kiếm tiền để trả lời cho câu hỏi: 'Nếu 5-10 năm nữa, lỡ ba mẹ bị gì thì mình có tiền lo cho họ không? Mình có tiền làm đám ma cho họ không?'. Hơi tiêu cực nhưng đó là suy nghĩ thật của mình. Và khi bắt đầu dự án đầu tiên mình nghĩ sau 5 năm, mình sẽ thành triệu phú tự thân ở Việt Nam. Nhưng khi gần đạt được cái ngưỡng đó thì mình lại té xuống vực sâu và đến giờ vẫn chưa ngóc đầu lên được. Hiện tại mình đã startup được hơn 4 năm rồi mà mọi việc vẫn chưa đâu vào đâu.

Nếu 5 - 10 năm nữa, lỡ ba mẹ bị gì thì mình có tiền lo cho họ không? Mình có tiền làm đám ma cho họ không? - Ảnh 7.

Nhưng gia đình vẫn luôn là động lực để mình làm mọi thứ. Hồi trước mình được vinh danh tại cuộc thi ​​Vietnam Startup Wheel 2019 và 2020 Asia-Pacific Low Carbon Lifestyles Challenge, mình được các quỹ đầu tư lẫn truyền thông để ý, tên mình cũng xuất hiện trên Google. Một kết quả được mọi người search nhiều là 'Ba mẹ của Trần Nguyễn Duy Tuấn là ai?'. Nghĩa là họ tìm kiếm xem nguồn gốc, gia đình mình là ai trước rồi mới coi đến bản thân mình và mọi người đều nghĩ nhà mình rất giàu, rất gì và này nọ nhưng không, không hề.

Gia đình mình bình thường, nếu không muốn nói là khó khăn vì ba vẫn đang làm thợ sơn còn mẹ từng làm nghệ sĩ cải lương. Dù có tiếng trong nghề nhưng mẹ khá khó tính, không giống nhiều nghệ sĩ khác, không phải ai mời diễn cũng đi. Nếu thấy có điều gì đó không phù hợp hay khiến mẹ không thích là ok, không làm. Nghệ sĩ khác chịu được áp lực dư luận, chấp nhận dùng scandal để nổi tiếng nhưng mẹ thì không, rất minh bạch nên cứ nghèo mãi.

Bây giờ mình có thể phụ giúp ba mẹ một phần nào đó nhưng nó chưa đủ với mình. Ba mẹ vẫn ở nhà thuê mà cái mình muốn là có thể tự mua cho ba mẹ 1 ngôi nhà, 1 cái xe và 1 mảnh vườn trồng rau nuôi cá, nuôi chó nuôi mèo. Đó cũng là ước muốn đơn giản của ba mẹ. Tính ra chỉ khoảng 700 - 800 triệu là cùng nhưng mình chưa làm được thì nó trở thành mục tiêu gần của mình.

Nếu 5 - 10 năm nữa, lỡ ba mẹ bị gì thì mình có tiền lo cho họ không? Mình có tiền làm đám ma cho họ không? - Ảnh 8.

Có một chuyện ngoài lề nhưng cũng ảnh hưởng đến quá trình khởi nghiệp của mình là ngoại hình, nhiều người nhận xét mình giống Ngạn (Mắt Biếc). Khi thuyết phục nhà đầu tư, mình rất bình tĩnh, từ từ. Bình tĩnh đến nỗi người ta tưởng mình chán dù trong thâm tâm mình rất sung, rất tùm lum tào lao rồi. Vậy nên họ hay cho rằng mình không có cái lửa và sự nhiệt huyết của một founder, không muốn đầu tư. Nhưng mà cái đó sai, rất sai.

Mọi người cũng hay thắc mắc tại sao các sản phẩm của mình đều hướng tới mục đích giảm bớt CO2 ra ngoài môi trường. Nó bắt đầu từ ước mơ của mình. Hồi bé, gặp người vô gia cư ngoài đường hay con chó con mèo bị bỏ hoang, mình đã nghĩ là khi có tiền, mình sẽ xây dựng 1 cái vườn thật lớn để thu nhặt hết những con vật đó về nuôi và cho người vô gia cư có nhà ở, công việc trong vườn. Nơi đó sẽ tự tạo ra thu nhập và tự sống bằng những gì nó có như chăm sóc thú cưng đến khi lớn và khoẻ mạnh thì mọi người yêu thú cưng có thể trả 1 khoản phí để mang về nuôi hay bán vật dụng, đồ lưu niệm trong hệ sinh thái đó.

Nếu 5 - 10 năm nữa, lỡ ba mẹ bị gì thì mình có tiền lo cho họ không? Mình có tiền làm đám ma cho họ không? - Ảnh 9.

Bộ thiết bị tự động giúp tiết kiệm điện - sản phẩm ở lần startup đầu tiên của Tuấn

Về quyết định bỏ học, nếu được quay ngược thời gian, mình vẫn sẽ bỏ, kể cả là nhà mình có tiền. Bởi chuyện không có tiền chỉ là lý do phụ, cái chính là mình học tệ và không thích đi học. Từ lúc lên cấp 3, mình đã xin ba mẹ cho đi học nghề nhưng không được, ba mẹ muốn mình học đại học. Nếu ba mẹ đã muốn vậy thì ok, mình học nhưng ba mẹ đâu có nói là muốn mình học hết đại học hay không đâu nên mình vô 2 tháng rồi nghỉ.

Mình vẫn hay chia sẻ câu chuyện, quan điểm nhưng không hề khuyến khích việc bỏ học vì không muốn các bạn bước vô con đường mình đã đi, nó khá sai. Cái sai cụ thể là mình khởi nghiệp khi không có một cái gì hết. Không có tiền, không có tri thức, không có gia đình hậu thuẫn, không có tất cả. Khởi nghiệp rất khó, cực kì khó. Nó chỉ có duy nhất một cái dễ là dễ mang nợ nên mình không muốn mọi người nợ giống mình. Nếu đúng thì các bạn phải chuẩn bị kiến thức nền (về cách communication, về kiến thức doanh nghiệp cơ bản, về luật pháp, về tài chính tiền tệ,... ) trước khi khởi nghiệp. Nói chung là cơ bản thôi, không cần nhiều đâu thì nó sẽ an toàn hơn không biết gì”.

Nếu 5 - 10 năm nữa, lỡ ba mẹ bị gì thì mình có tiền lo cho họ không? Mình có tiền làm đám ma cho họ không? - Ảnh 10.

Cảm ơn Tuấn vì những chia sẻ!

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan