Nhìn vào lịch trình hàng ngày của vị CEO nổi tiếng, tôi nhận ra lý do tại sao mình nên bỏ đi những nỗ lực vô dụng

0

Thời đại cạnh tranh khốc liệt, nỗ lực không có nghĩa là cứ cắm đầu vào mà làm, mà nỗ lực phải có phương pháp, có hiệu quả.

Tháng trước, tin tức "Trương Triều Dương chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày" lên cơn sốt tìm kiếm trên mạng xã hội tại Trung Quốc.

Thì ra, CEO Trương của Sohu (Sohu Inc được niêm yết giao dịch trên NASDAQ và hiện có khoảng 14.200 nhân viên trên toàn thế giới) đã tiết lộ lịch trình hàng ngày của mình trong một cuộc phỏng vấn mới nhất.

Khó ai có thể tưởng tượng được rằng vị doanh nhân từng là một trong những người giàu nhất đất nước tỷ dân vào năm 2010 này lại có một cuộc sống không hề nhàn rỗi như vậy.

3h thức dậy.

4h lên ô tô xuất phát tới công ty.

4h30 – 7h xem tin tức và sử dụng sản phẩm.

7h ăn sáng.

7h30 – 12h làm việc.

12h30 – 13h phát sóng trực tiếp.

13h – 16h ăn trưa, làm việc.

16h -18h tập thể dục.

19h – 20h làm việc

20h – 24h làm việc cá nhân.

Sau khi đọc lịch trình hàng ngày của Trương Triều Dương, điều khiến cư dân mạng ngạc nhiên nhất là thời gian ngủ của Trương Triều Dương ít tới đáng thương.

Nói về giấc ngủ, Trương Triều Dương giải thích: "Tôi chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày, thường thức dậy lúc 3 giờ, ngủ ở nhà 3 tiếng, sau đó đến công ty ngủ bù thêm 1 tiếng khoảng từ 5 đến 6 giờ. Sở dĩ chỉ ngủ 4 tiếng, không phải là để tiết kiệm thời gian làm thêm việc mà là để ngủ ngon hơn."

Với Trương Triều Dương, hai tiếng đầu sẽ ngủ say giấc, nhưng cứ quá hai tiếng sẽ ngủ mơ man, ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ.

Nói về lời khuyên dành cho người trẻ, Trương Triều Dương nói:

"Đừng cố quá, mỗi người đều phải học cách nghiên cứu xem cơ hội của mình nằm ở đâu."

Câu nói của Trương Triều Dương làm tôi nhớ tới một câu nói: "Nỗ lực là cần thiết, nhưng tuyệt đối không được vội vàng."

Nhìn vào lịch trình hàng ngày của vị CEO nổi tiếng, tôi nhận ra lý do tại sao mình nên bỏ đi những nỗ lực vô dụng - Ảnh 1.

Trương Triều Dương - CEO của công ty Sohu

Thời đại cạnh tranh khốc liệt, nỗ lực không có nghĩa là cứ cắm đầu vào mà làm, mà nỗ lực phải có phương pháp, có hiệu quả.

Có một cư dân mạng chia sẻ câu chuyện về một người bạn đại học của mình như sau.

Buổi sáng 6h30, thức dậy, vệ sinh cá nhân theo tốc độ của quân đội.

Chưa tới 7h, cậu ấy đã có mặt tại cửa thư viện, vừa cầm mì gói vừa ngồi đợi thư viện mở cửa.

Sau khi thư viện mở cửa, cậu ấy nhanh chóng tìm một chỗ ngồi đắc địa. Lấy ra giấy bút, viết kế hoạch học tập của ngày hôm đó.

7h30, gặp phải một khái niệm khó, cậu ấy lấy điện thoại ra tra tư liệu.

Vừa lấy điện thoại ra, thấy bạn gửi tin nhắn tới, dù cũng không phải việc gì quan trọng, nhưng cậu ấy vẫn trả lời luôn, nói qua nói lại, tốn mất một khoảng thời gian.

Cứ như vậy, cậu ấy nhanh chóng thoát tin nhắn, bắt đầu tìm kiếm tư liệu. Đọc hết trang nọ tới trang kia, nhưng vẫn chưa thực sự hiểu gì cho lắm.

11h30, buông điện thoại, nhìn thời gian, cậu ấy nghĩ thôi ăn trưa trước đã, chiều tính sau.

Sau khi ăn xong, cậu ấy quay lại thư viện, nhưng vì buồn ngủ nên quyết định buông sách xuống, ngủ một giấc cái đã.

14h, cậu ấy tỉnh dậy, tiếp tục nhiệm vụ học buổi chiều, cậu ấy sắp xếp tư liệu tìm được lúc sáng thành 10 trang tài liệu.

16h mở video nghe giảng.

18h, tới giờ cơm tối, cậu ấy ăn cơm với tốc độ nhanh nhất rồi lại quay về thư viện.

Cậu ấy bắt tay vào ghi chép lại những gì đã học buổi chiều. Một tiết học 2 tiếng, cậu ấy mất 3 tiếng đồng hồ để tóm tắt lại một lượt.

23h, thư viện đóng cửa, trên con đường về kí túc, cậu vừa đi vừa nghĩ không hiểu vì sao "mình chăm chỉ, đi sớm về khuya như vậy mà không đổi lại được thành quả tương ứng?"

Chán nản, cậu ấy rút điện thoại ra, chụp một bức ảnh phong cảnh trường rồi đăng lên trang cá nhân: "Bạn đã thấy cảnh đêm nơi phố thị chưa?"

Cùng là dậy sớm thức khuya, nhưng có người làm chủ của hàng ngàn nhân viên, có người thì ở đó than vãn vì sao mình không đạt được thành tựu gì.

Thực ra, cậu bạn học kia khiến tôi nhớ tới một khái niệm có tên "lao động ngụy trang", ý muốn nói những người làm việc vô cùng chăm chỉ, cảm giác vô cùng bận rộn, nhưng lại cho ra hiệu suất cực kỳ thấp.

Những người như vậy, họ không phải người lười biếng, ngược lại, họ rất chăm chỉ, thậm chí còn không ít lần tăng ca.

Nhưng dù có chăm chỉ ra sao, vì sao họ vẫn không thể nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình?

Bởi lẽ tất cả những việc họ làm đều đem lại hiệu quả vô cùng thấp.

Trong thế giới của người lớn, khó khăn vất vả là thứ không đáng để khoe khoang nhất, nhưng lại có rất nhiều người cứ thích chìm trong đó mà không biết tìm đường ra.

Bạn đi sớm về khuya, ăn uống không đàng hoàng, vội vội vàng vàng, đó là vất vả, không phải nỗ lực.

Nỗ lực mà không cho ra hiệu quả, nó hoàn toàn không có tác dụng gì.

Trông thì có vẻ như là rất chăm chỉ, những thực tế lại chỉ đang mài mòn đi sức lực, mệt mỏi hơn mà không thu lại được gì.

Rất nhiều khi, chúng ta thực sự đã hiểu lầm về cái gọi là chăm chỉ, nỗ lực.

Nhìn vào lịch trình hàng ngày của vị CEO nổi tiếng, tôi nhận ra lý do tại sao mình nên bỏ đi những nỗ lực vô dụng - Ảnh 2.

3 lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn thoát ra khỏi sự nỗ lực đem lại hiệu quả thấp, mở ra cho bạn một cuộc đời mới.

1. Biết ưu tiên, loại bỏ những việc không quan trọng

Có một hôm, giáo sư giảng bài cho một nhóm sinh viên trường kinh tế.

Giáo sư nói, "chúng ta cùng làm một trắc nghiệm nhỏ", sau đó lấy ra chiếc lọ thủy tinh đặt lên trên bàn.

Tiếp theo, giáo sư lấy ra một nắm đá cho vào lọ thủy tinh đó, cứ cho đá vào mãi cho tới khi không thể thêm được nữa mới dừng lại.

Giáo sư hỏi: "Lọ đã đầy chưa?"

Tất cả sinh viên đáp: "Đầy rồi ạ!"

Giáo sư hỏi lại: "Thật không?"

Đồng thời lấy ra một túi sỏi nhỏ, cho sỏi vào lọ, đồng thời không ngừng đập nhẹ chiếc lọ để sỏi lấp đầy những khoảng trống.

"Chiếc lọ đã đầy chưa?"

Sinh viên lúc này dường như hiểu ra chút gì đó nói: "Có thể là vẫn chưa."

"Rất tốt!"

Tiếp theo, giáo sư lấy ra một chiếc xô đựng cát nhỏ, từ từ đổ vào trong lọ thủy tinh. Cát lúc này lấp đầy mọi khoảng trống mà đá và sỏi để lại.

Giáo sư lại hỏi lại sinh viên: "Chiếc lọ đã đầy chưa?"

Sinh viên lớn tiếng nói: "Chưa đầy!"

Giáo sư ngẩng đầu lên nhìn sinh viên và hỏi: "Ví dụ này nói lên điều gì?"

Một sinh viên nhanh nhảu giơ tay lên phát biểu: "Nó nói với chúng ta rằng, dù lịch trình có kín kẽ tới đâu, chỉ cần chúng ta thực sự nỗ lực là cũng có thể làm được nhiều việc hơn."

Giáo sư nghiêm túc nói: "Không, đó không phải là ý nghĩa thực sự. Ví dụ này nói với chúng ta, nếu không cho những viên đá lớn vào trước thì sau đó sẽ không thể cho được chúng vào lọ."

Vậy thì, đâu là những viên đá to trong cuộc sống của bạn?

Hãy cố gắng xử lý những viên đá lớn đó, nếu không thì, càng về sau, càng không thể giải quyết được chúng.

Đây được gọi là thứ tự ưu tiên, thứ tự ưu tiên càng cao càng nên làm trước, thứ tự ưu tiên càng thấp, để sau hãy làm.

Bất kể trong cuộc sống hay công việc, chúng ta đều nên biết cách sắp xếp các thứ tự ưu tiên.

Nỗ lực có hiệu quả chính là biết bớt đi những việc không cần thiết, tìm ra đầu là thứ mình cần ưu tiên rồi hết mình với nó.

Nhìn vào lịch trình hàng ngày của vị CEO nổi tiếng, tôi nhận ra lý do tại sao mình nên bỏ đi những nỗ lực vô dụng - Ảnh 3.

2. Kiên trì "tự phản hồi", điều chỉnh hướng nỗ lực

Hai nhà tâm lý học chia một lớp học ra làm 3 nhóm, sau mỗi một ngày học, họ sẽ cho cả lớp làm một bài trắc nghiệm kiến thức, sau khi kết thúc trắc nghiệm sẽ đưa ra các phương pháp phản hồi khác nhau cho học sinh:

Nhóm thứ nhất, mỗi ngày thông báo kết quả học tập một lần.

Nhóm thứ hai, mỗi tuần thông báo kết quả học tập một lần.

Nhóm thứ ba, chỉ cho làm trắc nghiệm, không thông báo kết quả.

Sau 8 tuần, đảo ngược phương pháp phản hồi giữa nhóm một và nhóm ba, nhóm hai giữ nguyên, thí nghiệm tiếp tục tiến hành thêm 8 tuần nữa.

Sau cùng, kết quả thí nghiệm cho thấy, sau khi phương pháp phản hồi thay đổi, thành tích của nhóm thứ 3 có sự tiến bộ rõ rệt, nhóm thứ nhất thành tích đi xuống, nhóm thứ 2 thành tích ổn định đi lên.

Thí nghiệm thực tế này cho thấy: có hay không có sự phản hồi, phản hồi ra sao sẽ tạo ra những ảnh hưởng khác nhau đối với học tập.

Tương tự, có hay không có sự tự phản hồi, phương thức phản hồi ra sao cũng sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực của một người.

Tự phản hồi ở đây chính là tự đánh giá, xem xét lại chính bản thân mình.

Tự phản hồi là một vũ khí giúp thành công, chỉ khi bạn không ngừng xem xét, đánh giá lại bản thân trong quá trình nỗ lực, đồng thời điều chỉnh phương hướng làm việc sao cho hiệu quả hơn, bạn mới có thể dần dần tiến gần hơn tới mục tiêu.

Ngược lại, nếu không biết tự nhìn nhận lại bản thân, không biết hướng mình đang làm có hiệu quả hay không, không có sự đánh giá tổng thể sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả của quá trình nỗ lực.

Nhìn vào lịch trình hàng ngày của vị CEO nổi tiếng, tôi nhận ra lý do tại sao mình nên bỏ đi những nỗ lực vô dụng - Ảnh 4.

3. Nghiêm túc nghỉ ngơi, nâng cao hiệu suất

Lê-nin từng nói: "Không biết nghỉ ngơi là không biết làm việc."

Não bộ của con người cũng giống như máy tính vậy, mỗi ngày cần được tạm nghỉ ngơi một khoảng thời gian, đánh bay mệt mỏi và phục hồi sức lực thông qua giấc ngủ.

Tuy nhiên, có rất nhiều người thường xuyên thức khuya hay tăng ca, quá "đâm đầu" vào công việc, đây cũng là một trong những yếu tố khiến bạn không thể phát huy được tốt nhất trạng thái của mình.

Khi bạn bết dành thời gian ra để nghỉ ngơi thật đàng hoàng, bạn mới có thể thực sự nâng cao được hiệu suất công việc.

Chúng ta có thể thông qua hai phương thức để nghỉ ngơi:

1. Tăng cường vận động, thể dục thể thao

Các môn vận động có rất nhiều, đứng từ góc độ phục hồi năng lượng, cần chọn những đồ có tác dụng tăng cường chức năng tim phổi, chẳng hạn như chạy bộ.

2. Phương pháp luân phiên

Chẳng hạn, bạn học toán mệt rồi, có thể chuyển sang học ngữ văn. Bằng cách này, nửa bên trái và bên phải của não sẽ được nghỉ ngơi hoàn toàn.

Chỉ khi nghỉ ngơi đầy đủ, bạn mới có thể cống hiến hết mình cho công việc và học tập.

Một tiến sỹ từng nói:

"Con đường thành công không đông đúc như bạn nghĩ, bởi lẽ trên đường chạy marathon của cuộc đời, phần lớn mọi người đều chỉ chạy nửa đường rồi từ bỏ."

Vì vậy, rất nhiều khi, chúng ta có thể chạy được xa, chỉ đơn giản là vì chúng ta vẫn đang kiên trì chạy mà thôi.

Nỗ lực có hiệu quả, sau cùng, bạn sẽ trở thành một phiên bản ưu tú hơn.

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan