Khác với phong cách chân thực, cầu kỳ trong hội họa phương Tây, hội họa Trung Quốc cổ đại lại theo đuổi ý cảnh sâu xa, tập trung diễn tả những ẩn ý thông qua vài nét bút đơn giản. Đối với những bức tranh cổ có kích thước lớn này, hậu thế phải nhìn thật lâu, soi kỹ từng chi tiết mới dần hiểu ra thông điệp của tác giả.
Ngũ ngưu đồ - Họa sĩ Hàn Hoảng thời Đường
Bức tranh "Ngũ ngưu đồ" (Hình ảnh: Wencang)
"Lông mày rậm với đôi mắt to" thường được dùng để miêu tả một người đàn ông tuấn tú khôi ngô, nhưng nếu dùng để vẽ một con trâu thì quả thực... có chút kỳ quái. Bức tranh "Ngũ ngưu đồ" của họa sĩ Hàn Hoảng thoạt nhìn trông vô cùng đơn giản với 5 con trâu rắn rỏi nhưng khi phóng to lên thì thực sự không ai nhịn nổi cười.
Hình ảnh con trâu sau khi được phóng to 10 lần (Hình ảnh: Baijiahao)
Con trâu vàng này không chỉ đang thè lưỡi... trêu đùa với chú trâu đằng sau mà còn được trang điểm cho đôi mi dài, đường kẻ mắt sắc lẹm với đôi mắt 2 mí đúng chuẩn "mỹ nam". Thậm chí con vật còn sở hữu đồng tử mắt màu nâu vô cùng quyến rũ.
Hòe ấm tiêu hạ đồ - Họa sĩ vô danh thời Tống
Bức "Hòe ấm tiêu hạ đồ" miêu tả hình ảnh một người đàn ông nằm nghỉ ngơi dưới gốc cây râm mát. Người đàn ông này đang nằm ngủ với chiếc áo phanh ra nửa kín nửa hở, trông vô cùng tiêu dao tự tại. Trên bàn bên cạnh còn có một hộp cơm, hẳn là ăn uống no đủ rồi đánh một giấc vô cùng mãn nguyện.
Bức tranh "Hòe ấm tiêu hạ đồ" (Hình ảnh: Baidu)
Thoạt nhìn thì bức tranh không có gì đặc biệt cho đến khi phóng to lên và quan sát kỹ hơn, thì móng tay của người đàn ông này rất dài, giống như những chiếc hộ giáp của phụ nữ trong cung đình thời nhà Thanh.
Thậm chí tư thế tay của người đàn ông này còn đẹp mê hồn khiến cư dân mạng phải bật cười vì trông không khác gì tiên nữ hạ phàm. Không lẽ đây chính là hình ảnh của những phú ông thời nhà Tống sao?
Người đàn ông sau khi được phóng to 10 lần (Hình ảnh: Baijiahao)
Những bức tranh cổ tưởng sẽ vô cùng uy nghiêm, cao xa thâm thúy nhưng thực tế thì cũng vô cùng gần gũi và dễ thương khi hậu thế nhìn thấy những chi tiết được phóng to này.
Đường Dần phong mộc đồ quyển - Họa sĩ kiêm nhà thư pháp thời Minh Đường Bá Hổ
Đường Bá Hổ hay Đường Dần - một trong tứ đại tài tử Giang Nam thời nhà Minh, đã từng tự vẽ cho mình một bức họa tên là "Đường Dần phong mộc đồ quyển". Nếu nhìn xa và tổng quát thì đây là một bức vẽ vô cùng đơn giản nhưng không kém phần thu hút bởi vẻ đẹp tĩnh lặng trong bức tranh.
Bức tranh cuộn "Đường dần phong mộc đồ quyển" (Hình ảnh: Wencang)
Thế nhưng khi phóng to lên, hậu thế sẽ không khỏi bật cười vì chân dung mà Đường Bá Hổ vẽ chính mình. Đường Bá Hổ trong bức tranh đang ngồi dựa vào chiếc sọt tre dưới những tán cây, lông mày ủ rũ, đôi mắt nhỏ bơ phờ và che miệng như... đang ngáp, trông vô cùng mệt mỏi và thiếu sức sống.
Chân dung Đường Bá Hổ sau khi phóng to 10 lần (Hình ảnh: Baijiahao)
Cư dân mạng Trung Quốc còn nói vui rằng: "Không phải khi chụp ảnh tự sướng người ta vẫn hay chỉnh sửa chính mình sao cho đẹp nhất sao?". Không lẽ đây chính là dáng vẻ mà Đường Bá Hổ thấy mình phong lưu tài tử nhất!
Thanh minh thượng hà đồ - Họa sĩ Trương Trạch Đoan thời Bắc Tống
Được mệnh danh là "Mona Lisa của Trung Quốc", bức hoạ này miêu tả tinh tế về cảnh quan rất sinh động bên trong và ngoài Biện Kinh, kinh đô của nhà trong suốt dịp lễ hội của tiết Thanh Minh.
Đây là một bức tranh cuộn với chiều cao khoảng 24,8 cm, dài chừng 5,29 mét. Nếu ai đó thực sự muốn nghiên cứu bức tranh này thì ít nhất phải có một chiếc kính lúp có khả năng phóng đại gấp 10 lần.
Hai người đàn ông trong gian hàng (Hình ảnh: Baijiahao)
Bởi khi phóng to lên, hậu thế sẽ nhìn thấy những chi tiết vô cùng thú vị. Ví như chi tiết nhỏ trong một góc gian hàng này, một người đàn ông đang vô cùng nghiêm túc tập trung... trang điểm, thoa kem nền cho khách hàng của mình. Thậm chí nếu nhìn kĩ sẽ thấy ngón tay của ông chủ gian hàng này còn điệu đà hơn cả các vị nương nương trong cung cấm.
Không ít người khi nhìn thấy chi tiết này đã phải phì cười vì độ đáng yêu của ông chủ và độ tỉ mỉ tinh tế trong bức tranh nổi tiếng này của họa sĩ Trương Trạch Đoan.
BÌNH LUẬN (0)