Cháu bé mồ côi ngồi cô đơn bên bàn thờ mẹ...
Trong quá trình làm nhiệm vụ tuyến đầu tại TP.HCM, thiếu tá Nguyễn Trung Kiên - trợ lý quân khí, bí thư Đoàn cơ sở quân sự TP Thủ Đức (Ban chỉ huy quân sự TP Thủ Đức, Bộ tư lệnh TP.HCM) đã trải qua một câu chuyện xót xa, lột tả phần nào những mất mát, đau thương mà đại dịch Covid-19 đã để lại.
Thiếu tá Kiên cùng đơn vị được phân công trực chốt, xịt khử khuẩn các điểm quanh TP Thủ Đức và đưa tro cốt người dân mất vì Covid-19 về nhà. Từ nhiệm vụ này, anh đã gặp gỡ và làm cha đỡ đầu của cô bé 4 tuổi Phạm Thị Bảo Châu.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên (bìa phải), Trợ lý Quân khí, Bí thư Đoàn thanh niên Ban chỉ huy Quân sự TP Thủ Đức bàn giao cháu Phạm Thị Bảo Châu tại khu cách ly tập trung Trường TH Thắng Tam. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Chia sẻ trên báo VnExpress, thiếu tá Kiên kể lại: "Khi đưa tro cốt của chị Nga về với gia đình tại nhà trọ ở Tân Phú, tôi rất bất ngờ khi người tiếp nhận tro cốt của chị Nga là một cháu bé rất nhỏ... !".
Theo ghi nhận của báo Tuổi trẻ, trước đó, bé Châu và mẹ là chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (44 tuổi, ngụ phường Tân Phú) sống trong khu trọ dành cho dân lao động nghèo và mắc Covid-19 nên được đưa đến BV TP Thủ Đức điều trị cùng nhiều người sống trong dãy trọ.
Ngày 7-8, chị Nga không qua khỏi do suy hô hấp cấp mức độ nặng. Khi đó, bé Châu cũng vừa đỡ bệnh, nồng độ virus thấp nên được cho về nhà cách ly. Ngày 8-8, khi cùng đồng đội đến trao tro cốt cho người thân bệnh nhân, anh Kiên rớt nước mắt nhìn cảnh cô bé 4 tuổi ra nhận và ngồi một mình bên bàn thờ mẹ trong phòng trọ.
Hỏi thăm xóm giềng, anh mới hiểu hoàn cảnh đáng thương của bé Châu. Cha bé đã bỏ đi từ khi con mới chào đời. Còn mẹ bé lúc sinh thời sống bằng nghề nhặt ve chai, thu nhập bấp bênh.
"Mẹ mất rồi, bé ở một mình như vậy tôi không an tâm nên xin ý kiến ban chỉ huy đưa tro cốt của chị Nga về lại đơn vị, và đưa bé Châu vào khu cách ly phường Tân Phú" - anh Kiên xúc động kể lại.
Thiếu tá Kiên nhận cháu bé làm con nuôi
Ở khu cách ly của phường, ngày nào anh Kiên cũng gọi điện trao đổi với người giữ bé, nắm bắt thông tin và động viên bé. Thấy cô bé thiếu vắng tình cha từ thuở bé, và cũng thương hoàn cảnh, anh Kiên đã nhận làm cha đỡ đầu của bé Châu, nhận bảo trợ học tập cho đến khi cháu đủ 18 tuổi.
Những lúc không có nhiệm vụ, anh đều chạy tới thăm con. Ban đầu anh chỉ dám đứng từ xa nhìn do làm những nhiệm vụ đặc biệt, sợ lây nhiễm lại cho bé. Sau này khi đã test PCR âm tính, đồng thời bé cũng đã khỏi bệnh, anh mới đến ẵm bồng đứa con gái nuôi này.
Việc làm của anh được gia đình, vợ anh là chị Nguyễn Tuyết Xuân, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Tam Bình, TP Thủ Đức ủng hộ, chia sẻ. Chị Xuân cũng bận công tác suốt trong mùa dịch. Anh chị hoàn cảnh không khá giả, còn nuôi hai con trai nhỏ cùng bố mẹ…
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên cùng phường hỗ trợ đưa tro cốt mẹ cháu Châu về phòng trọ của cô ruột cháu tại Vũng Tàu- Ảnh:TH/PL.TPHCM
Khi cháu được xuất viện, anh Kiên gửi tạm cháu về khu nhà trọ, nhờ hàng xóm trông nom và tiếp tục tìm kiếm thông tin về người thân của gia đình cháu Châu.
Gần đây anh mới liên lạc được với bà ngoại của cháu Châu. Hoàn cảnh của bà cũng rất khó khăn. Bà sống nhờ người con dâu tốt bụng, chồng mất, bị tật sau tai nạn nhưng vẫn ráng đi làm nuôi mẹ chồng, con và hai anh chị của cháu Châu. Dịch bệnh cuộc sống của gia đình đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Ngoài ra, cháu Châu còn có một người cô ruột là chị Phạm Thị Diệu (40 tuổi, ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu). Sau khi bàn bạc cùng gia đình cháu Châu, anh Kiên báo cáo đơn vị hỗ trợ để đưa cháu Châu cùng tro cốt mẹ cháu về Vũng Tàu cho chị Diệu tạm chăm sóc, thông tin trên báo PL.TPHCM.
Mới đây, chia sẻ với Tuổi trẻ về định hướng cho bé Châu sắp tới, anh Kiên cho hay đợt dịch ở TP.HCM bớt căng thẳng, anh sẽ xuống TP Vũng Tàu đón bé về. Do điều kiện cô của bé chưa tốt lắm nên anh và đơn vị đang tính 3 hướng hỗ trợ cho bé Châu trong thời gian tới:
"Phương án thứ nhất là sửa chữa căn nhà mà bà ngoại và anh chị ruột của bé đang sống, đồng thời đưa bé về đó ở gần bà, anh chị. Hằng tuần tôi sẽ đến thăm, chơi với bé và giáo dục bé.
Cách thứ hai là đưa bé về ở cùng cô Bảy ở Tiền Giang. Cách đây vài ngày tôi đã tìm được cô Bảy của bé, người cô này đồng ý nhận bé về nuôi dưỡng. Ở đây cũng gần TP.HCM, hằng tuần nếu không bận việc tôi sẽ chạy về thăm bé.
Hướng cuối cùng, nếu được sự cho phép của bà ngoại, cô Bảy và mợ của bé thì tôi sẽ để bé ở nhà tôi để chăm sóc, dạy dỗ", anh Kiên chia sẻ.
Tổng hợp
BÌNH LUẬN (0)