Vụ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên tố cáo bà Phương Hằng: Nếu chứng minh được thiệt hại hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường

Vụ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên tố cáo bà Phương Hằng: Nếu chứng minh được thiệt hại hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường

Một vị nguyên lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cho rằng nếu chứng minh được mình bị thiệt hại về tinh thần, vật chất do hành vi vu khống, xúc phạm đó gây ra thì họ hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường.

Vụ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên tố cáo bà Phương Hằng: Nếu chứng minh được thiệt hại hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vu khống, xúc phạm nếu chứng minh được

Mới đây, Công an TP.HCM cho biết, đã tiếp nhận đơn của một số người tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng, trong số này có nghệ sĩ Hoài Linh và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Theo đó, trong đơn, người tố cáo cho rằng họ bị bà Hằng vu khống, làm nhục và đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM xử lý trường hợp này.

Vụ việc đang được xác minh, làm rõ. Do tình hình dịch nên công an chưa làm việc được với các nghệ sĩ và người bị tố cáo.

Cũng trong chiều 22/9, đại diện Thủy Tiên - Công Vinh xác nhận với báo chí đã nộp đơn đến các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an, tố cáo doanh nhân Phương Hằng có hành vi "vu khống, xúc phạm nhân phẩm, uy tín".

Trước đó, nhiều tháng qua, bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam) nổi tiếng trên mạng xã hội, mỗi lần bà livestream thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Chủ đề mà bà Hằng hướng tới là việc "minh bạch" trong vấn đề thiện nguyện của các nghệ sĩ, thông tin mà bà đưa ra trước công chúng có nhiều bình luận trái chiều.

Trao đổi với PV, một nguyên lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, nếu ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng và các nghệ sĩ xác định thấy có dấu hiệu của hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm mình từ cá nhân nào thì phải có đơn tố cáo gửi cơ quan công an có thẩm quyền và yêu cầu khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ.

Vụ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên tố cáo bà Phương Hằng: Nếu chứng minh được thiệt hại hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường - Ảnh 2.

Vợ chồng Công Vinh - Thuỷ Tiên tại buổi livestream sao kê tiền từ thiện miền Trung

Theo vị này, sau khi có đơn, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra, xác minh và nếu xác định có dấu hiệu của hành vi vu khống sẽ khởi tố vụ án. Tiếp đó, nếu quá trình điều tra, xác định được tiếp người thực hiện hành vi vu khống sẽ khởi tố bị can, truy tố và xét xử theo quy định.

"Điều cần phải làm nhất trong lúc này là nếu bị hại xác định được rõ ràng rằng, mình có dấu hiệu bị cá nhân nào đó vu khống hay xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thì phải có đơn tố cáo và đề nghị khởi tố vụ án gửi cơ quan điều tra có thẩm quyền", vị này nêu rõ.

Bên cạnh đó, theo vị này, nếu chứng minh được mình bị thiệt hại về tinh thần, vật chất do hành vi vu khống, xúc phạm đó gây ra thì hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường trong cùng vụ án này.

Cụ thể, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.

Vị này cũng nhấn mạnh, mỗi cá nhân đều có quyền phát ngôn, đều có quyền tự do ngôn luận.

Tuy nhiên, nếu lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Sau bao lâu cơ quan công an sẽ phải ra quyết định giải quyết đơn tố giác?

Còn Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội cho rằng, sự việc "lùm xùm" liên quan đến câu chuyện từ thiện giữa nữ doanh nhân và một số nghệ sĩ nên được giải quyết bằng pháp luật.

Tướng Bộ nêu rõ, chúng ta đang sống trong xã hội thượng tôn pháp luật nên thay vì lên mạng xã hội đưa ra những lời lẽ không hay thì cả hai bên nên có đơn gửi cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh, làm rõ.

Cụ thể, theo Thiếu tướng Bộ, trong trường hợp này, nếu xác định chắc chắn thấy ai đó thực hiện việc quyên góp từ thiện nhưng lại lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản hay nói cách khác là "đút túi" tiền đó thì hoàn toàn có quyền tố cáo đến cơ quan công an có thẩm quyền để xác minh, làm rõ.

Trong trường hợp xác định có căn cứ của hành vi này, cơ quan công an hoàn toàn có thể khởi tố, điều tra theo điều 175 Bộ luật Hình sự.

"Việc lên mạng xã hội nói vu vơ, mạt sát, rồi chưa có căn cứ cụ thể nhưng lại nói người này ăn chặn, người kia đút túi tiền từ thiện như vậy là không nên, không được.

Đây đều là những người có tiếng trong xã hội nên hãy ứng xử một cách văn minh, theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để xác minh, làm rõ những việc này, không nên để tình trạng không hay, bất ổn trên không gian mạng như thời gian qua tiếp tục tái diễn", tướng Bộ nói.

Tương tự vậy, tướng Bộ nhấn mạnh, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi cá nhân đều được pháp luật bảo vệ, bất khả xâm phạm nên nếu ai xác định thấy có dấu hiệu của hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, vu khống mình thì có thể tố cáo đến cơ quan công an có thẩm quyền để xác minh, làm rõ.

Trong trường hợp cơ quan công an sau khi điều tra, xác minh thấy có dấu hiệu của hành vi vu khống, xúc phạm sẽ tiến hành khởi tố để điều tra.

Trong đó, nếu xác định có dấu hiệu của hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì khởi tố điều tra theo điều 155 còn hành vi vu khống sẽ khởi tố điều tra theo điều 156 Bộ luật Hình sự.

Về thời hạn xác minh, giải quyết đơn tố cáo, theo tướng Bộ, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đơn tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan điều tra trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công điều tra viên, cán bộ điều tra thuộc quyền thụ lý, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Viện KSND cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.

Các cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận và giải quyết tin báo theo điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Cụ thể, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

Quyết định khởi tố vụ án; Quyết định không khởi tố vụ án; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng.

Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng VKS cùng cấp hoặc Viện trưởng VKS có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng.

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan