Hiếm có một nhóm nhạc nào mà âm nhạc của họ lại trường tồn suốt nhiều thế hệ được như Boney M. Chắc chắn khi giai điệu một ca khúc của Boney M như Rasputin, Daddy Cool, Sunny, Hooray! Hooray! It's A Holi-Holiday... vang lên, các bậc ông bà cũng sẽ gật gù hoài niệm, các bậc làm cha mẹ lập tức nhún nhảy đúng điệu và cả thế hệ trẻ đều có thể "đu đưa" theo những giai điệu sôi động thuộc hàng "kinh điển".
Boney M diễn live ca khúc Rasputin vào năm 1979
Boney M diễn live ca khúc Daddy Cool vào năm 1979
Chưa dừng lại ở đó, mỗi dịp Giáng sinh về, dù có phải là người Công giáo hay không, chắc chắn bạn đều đã từng nghe qua River of Babylon, Jingle Bell, Mary's Boy Child/ Oh My Lord,... với những thanh âm đầy rộn rã cho mùa lễ hội.
Nhưng có 1 chuyện mà ít ai biết, Boney M cũng là một trong những vụ "lừa đảo" lớn nhất lịch sử âm nhạc hiện đại chắc chắn sẽ khiến bạn "ngỡ ngàng", "bật ngửa" khi biết sự thật!
Từ một ý tưởng táo bảo của producer người Đức cho đến một trong những nhóm nhạc thành công nhất mọi thời đại
Vào giữa thập niên 70, phong trào disco trở nên thịnh hành nhằm tạo một thế đối chọi với rock đang cực thịnh khi ấy, khuyến khích mọi người trở lại sàn nhảy xập xình ánh đèn thay vì các rock show máu lửa. Các nhóm disco mọc lên "như nấm sau mưa" nhưng chưa nhóm nào thực sự tạo được một dấu ấn bùng nổ.
Tháng 12/1974, nhà sản xuất âm nhạc người Đức - Frank Farian đã tự ghi âm một track nhạc dance có tên Baby Do You Wanna Bump? và cho ra mắt dưới cái tên Boney M, một cái tên mà ông nghĩ ra sau khi xem series trinh thám Boney của Australia. Ca khúc có khởi đầu khá khiêm tốn nhưng sau đó đã trở thành bản hit ở Hà Lan và Bỉ, và khán giả Châu Âu bắt đầu tò mò: Boney M là ai?
Frank Farian bên 2 thành viên nữ của Boney M.
Nhận thấy tiềm năng và nhiều cơ hội rộng mở, Frank Farian đã tìm kiếm 4 nghệ sĩ chưa có tên tuổi và cùng quy tụ dưới cái tên Boney M. Họ đã có màn xuất hiện trên TV đầu tiên và bắt đầu có những buổi diễn nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong suốt năm đầu hoạt động, Boney M chưa có sự ổn định về thành viên. Mãi đến năm 1976, đội hình Boney M "chốt sổ" với 4 thành viên: Liz Mitchell, Maizie Williams, Marcia Barrett và Bobby Farrell.
Farian đã dành những lời tán tụng lên mây với Boney M và khẳng định đây là 4 giọng ca tuyệt vời nhất sẽ trình diễn loại nhạc disco hấp dẫn nhất châu Âu. Dĩ nhiên thời điểm Boney M vừa "debut", không một ai tin và cho rằng là một cách ông bầu của nhóm gây chú ý mà thôi. Nhưng chỉ ít năm sau, "lời tiên tri" ấy đã thành sự thật, Boney M trở thành một trong những nhóm nhạc đình đám nhất trong lịch sử âm nhạc hiện đại.
Boney M - Baby Do You Wanna Bump
Boney M bắt đầu gây tiếng vang khắp Châu Âu khi phiên bản chính thức của Do You Wanna Blump? ra mắt vào tháng 12/1975. Tháng 6/1976, nhóm ra mắt album debut Take The Heat Off Me và trở thành hiện tượng ở Đức với các single Sunny, No Woman No Cry dẫn đầu BXH ở Anh và Australia. Âm nhạc của Boney M khiến cả Châu Âu và Châu Á "phát cuồng" nhưng có vẻ không được người Mỹ "mặn mà" cho lắm khi thứ hạng của nhóm trên Billboard khá thấp.
Như một quả cầu tuyết lăn từ trên đỉnh đồi, sự thành công của nhóm nhạc ngày càng lan rộng. Tháng 7/1978, Boney M phát hành album Nightflight To Venus với loạt bản hit "bất hủ" Rasputin, Rivers Of Babylon, Brown Girl In The Ring… Album này cũng đạt thành công bùng nổ vượt hẳn cả 2 album trước, chính thức xác lập địa vị của một nhóm nhạc huyền thoại. Tháng 5/1977, Boney M tiếp tục ra mắt Love For Sale với các ca khúc như Ma Baker, Belfast lại một lần nữa đẩy Boney M lên cao.
Boney M "tấn công" mạnh mẽ với loạt các buổi diễn, tour xuyên Châu Âu để khiến mọi người biết đến nhóm nhiều hơn. Công chúng mê mẩn giai điệu disco pha lẫn âm hưởng Trung Mỹ, phát cuồng trước tiếng hát và bước nhảy đầy "kích động" của các thành viên, các hộp đêm, discotheque lấp đầy bởi âm nhạc của Boney M.
Không chỉ thiết lập "cơn bão" về âm nhạc, Boney M còn tạo ra một trào lưu thời trang tác động mạnh đến người trẻ Châu Âu khi quần ống loe, áo thun bó chẽn giống như kiểu thành viên Bobby M mặc được các nam thanh niên rất ưa chuộng, váy áo hoa sặc sỡ của các thành viên nữ được các fangirl ra sức mô phỏng.
Và rồi, một trong những màn lừa dối lớn nhất nhì lịch sử âm nhạc bắt đầu bị phanh phui...
Sau 4 album liên tiếp gây tiếng vang giòn giã, ông bầu Farian và Boney M "thừa thắng" xông lên và cho ra mắt album Oceans of Fantasy vào tháng 9/1979. Và đây là lúc màn "lừa dối" chấn động trong lịch sử âm nhạc được hé lộ.
Khi album thứ 5 được ra mắt, người hâm mộ của Boney M bắt đầu chú ý một chi tiết kì lạ: phần credit album cho phần thể hiện giọng hát chỉ thấy ghi tên của Liz Mitchell và Marcia Barrett, không thấy tên hai người còn lại. Một làn sóng bùng nổ từ người hâm mộ và dư luận nổ ra, họ muốn biết được sự thật về chuyện gì đã xảy ra trong nội bộ nhóm. Và sự thật mà công chúng biết được sau đó còn sốc hơn những nghi vấn về mâu thuẫn nội bộ.
Trước sức ép dư luận, ông bầu Frank Farian nhanh chóng tiết lộ sự thật khiến hàng triệu fan Boney M "ngơ ngác, ngỡ ngàng, bật ngửa". Ông khẳng định từ album debut đến giờ chỉ có mỗi Liz Mitchell và Marcia Barrett là thực sự góp giọng thật, còn hai người còn lại không hát trong bất cứ một bản thu nào của Boney M, họ chỉ "làm kiểng" và nhép theo trên sân khấu mà thôi.
Chưa dừng lại ở đó, Farian tiếp tục khiến fan "xỉu ngang xỉu dọc" tập 2 khi cho biết những giọng nam trầm mà công chúng mê mẩn của trưởng nhóm Bobby lại là giọng của... chính "ông bầu" được thu trong studio! Một scandal chấn động đã diễn ra ngay lúc Boney M đang ở trên đỉnh vinh quang khiến công chúng không khỏi phẫn nộ, cộng đồng người hâm mộ của nhóm nhạc cảm thấy bị lừa dối và xúc phạm nặng nề.
Hóa ra trong 4 thành viên Boney M, chỉ có duy nhất 1 người là biết hát thực thụ: Liz Mitchell từng tham gia nhóm nhạc Hair của Donna Summer cũng như là một giọng ca trong nhóm nhạc nữ Les Humphries Singers. 3 thành viên còn lại, người thì chỉ có chút vốn liếng âm nhạc ít ỏi, thậm chí còn... không liên quan đến âm nhạc.
Theo đó, Marcia Barrett chỉ là ca sĩ nghiệp dư với sự nghiệp không ai nhớ đến, chủ yếu được biết đến với vai trò vũ công, may mắn là người "hát thật" thứ 2 trong nhóm nhạc. Maizie Williams là người mẫu, vũ công rồi "lấn sân" sang ca hát nhưng bị chính anh trai chê thậm tệ. Trưởng nhóm Bobby Farrell là người nổi bật nhất khi luôn "chiếm spotlight" với các điệu nhảy đầy phóng khoáng lại có xuất thân "ba chấm" nhất! Ông vốn là một thủy thủ, sau này có cơ hội làm DJ tại một số vũ trường ở Đức...
Sau này Farian thú thật rằng, giọng của 2 người còn lại trong nhóm hoàn toàn không hợp với chất nhạc disco, thậm chí không biết hát, vì vốn họ chẳng được đào tạo cho việc hát hò. Tuy nhiên, khi tập hợp 4 thành viên lại với nhau vào năm 1975, Farian hoàn toàn không quan tâm về việc liệu họ có biết hát hay không. Ông chỉ cần họ trình diễn thật bắt mắt, "nhép" cho thật khớp, mọi thứ còn lại đều có ông lo, tất cả những gì mà Boney M gầy dựng đều dựa trên sự lừa dối.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn về việc phân biệt chủng tộc, về cát-xê khiến nội bộ Boney M cũng như giữa 4 thành viên với ông bầu Farian ngày càng lớn dần. Năm 1981, nhóm cho ra mắt album Boonoonoonoos nhưng bắt đầu gặp thất bại nặng nề về doanh số. Cũng trong thời gian này, trưởng nhóm Bobby cũng bị sa thải. Năm 1984, nhóm chào đón sự xuất hiện của Reggie Tsiboe thay thế vị trí của Bobby tuy nhiên album tiếp theo - Ten Thousand Lightyears tiếp tục là một cú trượt dài về mặt doanh thu.
Cuối năm 1984, Bobby trở lại nhóm và vào năm 1985, Boney M cho ra mắt album phòng thu cuối cùng - Eye Dance - nhận về sự thất vọng và chán nản đến tận cùng từ công chúng. Ông bầu Farian cũng cảm thấy không còn có thể trông đợi gì nên quyết định "nhảy thuyền", và Boney M chính thức tan rã. Chỉ trong 10 năm hoạt động, Boney M đã bán được hơn 150 triệu đĩa trên toàn thế giới, ghi danh nhóm nhạc vào danh sách những nghệ sĩ bán chạy nhất mọi thời đại.
Sau khi tan rã, các thành viên Boney M "đường ai nấy đi" và đều thành lập nhóm riêng, vẫn lấy cái tên cũ Boney M để tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Đây là giai đoạn hỗn loạn khi các thành viên khi thì liên kết, lúc lại chia rẽ và mời những người mới, và tất nhiên dù có cố gắng ra sao, Boney M mãi mãi không thể trở lại thời kì hoàng kim của nhóm vào thập niên 70 được. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là Liz Mitchell, giọng ca thực lực của nhóm gốc, âu cũng là một sự đền đáp xứng đáng cho bà.Liz Mitchell trình diễn với tên gọi Boney M & Liz Mitchell, vẫn tiếp tục mang đến các bản hit một thời vang bóng của nhóm nhạc.
Nhóm Boney M của Liz Mitchell đã đến Việt Nam trình diễn rất nhiều lần, và bả cũng đặc biệt dành tình cảm cho đất nước chúng ta. Lần thứ nhất diễn ra vào 2 đêm 4 và 5/1/1995 tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM). Lần thứ hai vào ngày 28/1/1999 tại một khách sạn 5 sao ở quận 1 và 29/1/1999 tại SVĐ Thống Nhất (TP.HCM). Lần thứ ba vào ngày 1/10/2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Lần tứ tư vào ngày 10/8/2018 tại Nha Trang. Lần gần đây nhất diễn ra vào ngày 9/3/2019 tại Trung tâm Hội nghi Quốc gia (Hà Nội).
Liz Mitchell trình diễn tại Nha Trang năm 2018.
Liz Mitchell mang Boney M đến Hà Nội vào năm 2019.
Nguồn: Tổng hợp - Clip: YouTube - Ảnh: Internet
BÌNH LUẬN (0)