"Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" - Không ít bậc cha mẹ đã lấy ví dụ câu nói này để bào chữa cho việc la mắng hay thậm chí đánh đập con. Nhưng liệu các bậc phụ huynh có biết tác hại của việc đánh mắng con cái đã được minh chứng trong khoa học thế nào?
Gần đây, chương trình Cuộc Hẹn Cuối Tuần đã phát sóng chủ đề: "Cha mẹ biết nhận ra lỗi và xin lỗi con cái là những phụ huynh tuyệt vời".
MC Việt Hoàng đã nêu một dẫn chứng cho thấy sự khác biệt trong phát triển bộ não của đứa trẻ 3 tuổi sống trong gia đình hạnh phúc và đứa trẻ đã bị bỏ rơi, thường có những tổn thương về mặt tinh thần.
Sự khác biệt của bộ não trẻ em khi bị la mắng
Theo kết quả nghiên cứu, đây là ảnh chụp cắt lớp não bộ của hai em bé cùng được 3 tuổi, cùng giới tính, gia đình, chỉ khác 1 em được khen, đứa còn lại hay bị mắng. Kết quả có sự khác biệt rõ rệt:
- Não bên trái: Não của đứa trẻ bình thường, sống trong gia đình hạnh phúc.
- Não bên phải: Não của những em bé bị bỏ rơi, thường là có những tổn thương về mặt tinh thần. Não của những đứa trẻ này thường bé đi, chịu sự biến đổi trong cấu trúc. Điều này dẫn đến việc giảm thông minh, chậm phát triển hay làm giảm trí nhớ.
Các giáo sư trường Y ở Đại học Harvard đã dành hơn 10 năm nghiên cứu hậu quả của việc cha mẹ quát mắng con cái và họ nhận ra nhiều vấn đề. Việc cha mẹ thường xuyên la mắng sẽ khiến tăng nồng độ hormone căng thẳng trong cơ thể trẻ, từ đó dẫn đến thay đổi cấu trúc não bộ. Điều này khiến hồi hải mã (một cấu trúc quan trọng trong não bộ, có tác dụng cải thiện khả năng ghi nhớ) trong não nhỏ hơn và ảnh hưởng đến việc ghi nhớ.
Ảnh minh họa
Ngoài những thay đổi về tâm sinh lý, các giáo sư tại Đại học Michigan cũng đã thực hiện một loạt thí nghiệm về bạo lực ngôn ngữ. Khi một người bị bạo hành bằng lời nói, mức độ đau đớn không kém nỗi đau mà hệ thần kinh có thể cảm nhận được. Điều này có nghĩa là, khi cha mẹ la mắng con cái, mức độ tổn thương về ngôn ngữ và thể xác của chúng hoàn toàn giống nhau.
Bên cạnh đó, những đứa trẻ thường xuyên bị la mắng cũng sẽ có lòng tự trọng thấp, hèn nhát, hay bỏ cuộc vì sợ khó, sợ khổ.
Năm 1967, nhà tâm lý học người Mỹ Martin Seligman đề xuất một lý thuyết về tâm lý bất lực. Nếu một người thường phải chịu đòn roi, la mắng trong quá khứ thì sau này sẽ dễ xuất hiện trạng thái tâm lý tuyệt vọng, bất lực.
Rõ ràng việc hay la mắng con tưởng là tốt, nhưng lại để lại di chứng nặng nề trong não bộ trẻ nhỏ. Đây là điều bất cứ phụ huynh nào cũng cần lưu ý để có thể dạy bảo con mình tốt hơn, nếu muốn con có tương lai tốt đẹp.
BÌNH LUẬN (0)