Ngày nay, để liên lạc với người khác, người ta chỉ cần nhấc chiếc smartphone lên để làm vài thao tác nhỏ là đã có thể gửi tin nhắn, nói chuyện thậm chí là nhìn thấy mặt nhau. Nhưng quay ngược thời gian tầm 20 năm trước, thời điểm mà chưa có những vật dụng như chiếc điện thoại thì con người chỉ có duy nhất cách liên lạc qua thư từ.
Mới đây, dân mạng lại được dịp truyền tay nhau một bức thư tay được viết vào ngày 20/11/1999, tức là cách đây 22 năm của một thầy giáo phản hồi cho học sinh về một bài toán. Bức thư đơn sơ với nét chữ thẳng tắp, lời nói điềm đạm và ân cần ngay lập tức khiến nhiều người thích thú.
Trích từ những dòng thư, có đoạn viết:
"Cháu Diệu thân mến. Bác đã nhận được thư của cháu hỏi về giải phương trình bậc ba. Bác gửi cho cháu bài viết của bác về vấn đề này trên báo Khoa học & Đời sống năm 1980 và được in lại trong cuốn sách của bác năm 1997. Cháu đọc bài đó thì sẽ tìm được câu trả lời".
Ảnh: Nguyễn Minh Diệu
Thầy giáo cũng đưa ra lời hướng dẫn chi tiết cho một bài toán căn bậc ba, giảng giải từng phần trong phương trình một cách dễ hiểu. Cuối thư, thầy nhắn nhủ: "Cháu hãy tự giải và bác hy vọng cháu sẽ tìm được nhiều điều lý thú. Chúc cháu học Toán giỏi".
Được biết, chủ nhân bức thư là của thầy giáo Vũ Hữu Bình, nguyên giáo viên trường THCS Trưng Vương. Thầy là người có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà, trong đó có việc tham gia biên soạn sách giáo khoa môn Toán cấp THCS. Với những cống hiến của mình, thầy Vũ Hữu Bình đã được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và nhiều huân chương cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba; Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1988; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Giải thưởng Toán học Lê Văn Thiêm,...
Đúng thực là với ai có niềm say mê với tri thức thì khoảng cách địa lý hay hạn chế về thông tin liên lạc không phải là những rào cản. Ở mỗi thời, con người đều biết cách để tìm tòi, học hỏi những điều mình thích nếu có quyết tâm, có chăng ngày nay, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp chúng ta tiếp cận việc học dễ dàng hơn mà thôi!
BÌNH LUẬN (0)