Sự sụp đổ của mô hình kinh doanh cửa tiệm gia đình ở Việt Nam: Người trẻ chỉ chuộng đồ hiệu, thích uống cà phê ở Starbucks và chụp hình tự sướng ở Vincom


                                    Sự sụp đổ của mô hình kinh doanh cửa tiệm gia đình ở Việt Nam: Người trẻ chỉ chuộng đồ hiệu, thích uống cà phê ở Starbucks và chụp hình tự sướng ở Vincom

Người trẻ Việt chỉ thích đi chơi tại các cửa hàng Ministop có máy lạnh, đến uống cà phê ở Starbucks và chụp hình tự sướng tại Vincom.

Các học viên yoga thường đến studio tại nhà của Hanna Nguyễn để tập luyện. Hanna bắt đầu mở các lớp rèn luyện sức khỏe bằng cách chuyển tầng trệt ngôi nhà của mình thành nơi kinh doanh, còn gia đình sống ở các tầng trên. Cách biến nhà thành nơi vừa ở, vừa kinh doanh đã được người Việt Nam làm trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên thế kỷ 21 đã mang đến sự cạnh tranh mới: Các chuỗi bán lẻ.

Hanna hiện phải cạnh tranh với Elite Fitness, California Fitness and Yoga và các thương hiệu gym lớn khác vốn gần như không tồn tại cách đây khoảng một thập kỷ.

Ngôi nhà của Hanna được phân chia thành nhiều chức năng, dành cho công việc và cá nhân, cũ và mới. Ở tầng dưới, cô bán kombucha pha tại nhà và sinh tố cho những người tập yoga. Tầng trên là dành cho cậu con trai tuổi teen.

"Tôi thích không gian ấm cúng, tự làm và có tính địa phương", Hanna nói vào một buổi chiều đầy nắng bên hồ bơi, nơi cô dạy yoga dưới nước.

Nhưng thị hiếu đang thay đổi trên khắp đất nước Việt Nam với 98 triệu dân.

Sự sụp đổ của mô hình kinh doanh cửa tiệm gia đình ở Việt Nam: Người trẻ chỉ chuộng đồ hiệu, thích uống cà phê ở Starbucks và chụp hình tự sướng ở Vincom - Ảnh 1.

Các cửa hàng nhượng quyền trong nước và quốc tế đã bén rễ tại Việt Nam, mang lại sự đồng nhất cho các cửa hàng tạp hóa, nha khoa, tiệm rửa xe - thậm chí cả thức ăn đường phố.

Lấy một chỉ số quan trọng: Sự bùng nổ của các siêu thị nhỏ khiến các tiệm tạp hóa gia đình khốn đốn là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất về sự thay đổi mô hình tiêu dùng của Việt Nam. Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, số người cho biết gần đây họ đã đến một cửa hàng như 7-Eleven hoặc Circle K đã tăng vọt lên 57% vào năm 2020, tăng từ mức chỉ 6% vào năm 2016. Ngược lại, tỷ lệ sử dụng các cửa hàng truyền thống giảm 2,5% từ năm 2018 đến năm 2019.

Hanna coi đó là một phần trong lối sống của những người trẻ như con trai cô. Họ đi chơi tại các cửa hàng Ministop có máy lạnh, đến uống cà phê tại Starbucks hoặc chụp ảnh tự sướng tại các trung tâm thương mại Vincom.

Khách hàng đã tìm đến các thương hiệu vì sự quen thuộc và nhất quán của chúng trên khắp các thị trường, từ quần áo Zara của Tây Ban Nha đến các nhà hàng Crystal Jade của Singapore.

Điều này khác xa so với cách kinh doanh cũ ở Việt Nam. Người dân địa phương từng thiết lập cửa hàng bằng cách cải tạo phòng khách của họ hoặc thuê một mặt tiền cửa hàng gần đó. Họ sẽ đặt biển hiệu, đặt tên doanh nghiệp mới theo địa chỉ đường phố hoặc tên riêng.

Nhưng các thương hiệu doanh nghiệp đang thay thế các doanh nghiệp gia đình cũ này, một sự chuyển đổi đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ.

"Thị trường Việt Nam là miền đất hứa cho các chuỗi bán lẻ", Giám đốc cấp cao của Nielsen, ông Lê Hoàng Long nói với Nikkei Asia. Ông cho biết xu hướng chuỗi cửa hàng này rất đáng chú ý vì nó trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quần áo phụ nữ cho đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Ông nói: "Không một thị trường nào khác trong khu vực Đông Nam Á có động lực như vậy".

Mỗi quốc gia đều chứng kiến ​​sự gia tăng của nhượng quyền thương mại ở một thời điểm và tốc độ khác nhau. Giờ phút này đã đến với Việt Nam.

Vi Ton, người sáng lập Beyond Creative Agency, một công ty tiếp thị và thiết kế, cho biết khi có thu nhập cao hơn, người Việt Nam đang đòi hỏi chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn và đồng nhất hơn.

"Mặc dù giá cao hơn một chút nhưng mọi người sẵn sàng chi tiêu", cô nói.

Những người có đủ khả năng sẽ tìm kiếm các công ty cư xử có trách nhiệm đối với người lao động, môi trường và an toàn sản phẩm. Đặc biệt, sự nghi ngờ về an toàn thực phẩm đã tăng lên trong những năm gần đây.

Facebook cho biết trong một báo cáo năm 2020 về sáu nền kinh tế lớn của Đông Nam Á rằng mức độ ưa chuộng thương hiệu cao nhất ở Việt Nam, nơi 54% người dân có xu hướng mua các thương hiệu lâu đời hơn, so với tỷ lệ cao nhất tiếp theo, 45% ở Malaysia và 43% ở Thái Lan.

Ton nói: "Mọi người có xu hướng sẵn sàng thử và chuyển đổi. Họ muốn chắc chắn rằng nếu trả nhiều hơn, số đó sẽ trả lại cho môi trường và xã hội".

Các thương hiệu lớn có thể là dấu hiệu của thời đại, nhưng Hanna hy vọng vẫn còn chỗ cho các doanh nghiệp địa phương.

Nguồn: Nikkei

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan