Gen Z 'nhảy việc': Là vô trách nhiệm hay ham trải nghiệm?

2
"Nhảy việc" không khó, để tìm một lý do nhảy việc cũng không khó mà cái khó là không kỷ luật được chính mình.
Dạo trước có dịp được training các bạn trẻ xin vào làm sale cho công ty. Trong vòng phỏng vấn, tôi cũng có thật tình chia sẻ với các bạn rằng đây là công việc đòi hỏi sự kiên trì, nếu các bạn chỉ đặt mục tiêu kiếm tiền, nóng vội thì có thể suy nghĩ. Ở vị trí của 1 chuyên viên sale, các bạn sẽ cần được đào tạo dần dần các kỹ năng nắm bắt tâm lý, thỏa thuận với khách hàng, đôi khi sẽ như một “cái máy” khô khan, lặp đi lặp lại vài câu nói đến mức hỏi đến là thuộc làu làu.

Tôi biết các bạn trẻ bây giờ năng động lắm, bản thân tôi cũng thế. Các bạn sẵn sàng trải nghiệm, sẵn sàng thử những thứ đôi khi còn không phải điểm mạnh của mình.Vậy nên, trong 10 bạn được tôi phỏng vấn hôm ấy thì cả 10 ngày hôm sau đều đến công ty thử việc. Ngày 1, ngày 2 cho tới ngày 3, inbox của tôi liên tục là những dòng tin nhắn xin nghỉ, không có lý do, không lời xin lỗi thậm chí là có những bạn còn bỏ việc ngang mà không báo lại với tôi lời nào.

Lại một dịp khác, đi cafe với bạn, tôi nghe nó than thở việc mới dạy được một bé 2k4 pha chế đồ uống thì nghỉ ngang, lý do chỉ đơn giản: “Em thấy mình không hợp”.

Ảnh minh họa

Nhìn cách các bạn “nhảy việc”, “thử” trong sự vô tư thái quá, đặt trách nhiệm xuống dưới và đội sự thoải mái lên trên, tôi cũng chợt chạnh lòng. Hồi năm nhất, năm hai, tôi cũng “nhảy việc” liên tục, công việc ngắn nhất thì làm được 2 tháng mà dài nhất thì kéo dài được 1 năm. Và điểm chung của tất cả các công việc mà tôi làm đều là vì mục đích “cho bớt tốn thời gian”, “để có tiền trang trải cuộc sống”. Chính vì lối suy nghĩ không nghiêm túc từ đầu ấy mà bất kể công việc nào, tôi cũng cho mình cái quyền “Thử thôi, không được thì out, việc còn đầy, không làm chỗ này thì chỗ khác”

Tôi cũng là một Gen Z, sống trong cái thời mà người ta sẵn sàng làm được cả series về chuyện Gen Z đi làm cùng cái tôi rất lớn, Gen Z sáng tạo, Gen Z cá tính và Gen Z sẵn sàng nhảy việc nếu KHÔNG THÍCH. Việc tìm hiểu công việc không kỹ, vội vã đưa ra quyết định đi làm và thấy khó khăn thì lập tức nghỉ ấy, chưa bàn đến khía cạnh của nhà tuyển dụng, chỉ xét từ phía chủ quan bản thân, đã là việc khiến tư duy và tác phong dần đi theo lối mòn. Không cần biết bao nhiêu bạn khác vì sự trúng tuyển của bạn mà vọt mất cơ hội việc làm cho vị trí đó? Không cần biết cấp trên của bạn đã dành bao nhiêu thời gian để training? Không cần biết bản thân liệu nếu cố gắng thêm một chút thì có được không?

Ảnh minh họa

Bất kể công việc nào cũng cần có quá trình để tiếp xúc, để làm quen rồi sau đấy mới là làm nhanh, làm tốt. Thói quen nôn nóng, “đốt cháy giai đoạn” chỉ khiến bạn thêm mông lung giữa vô vàn sự lựa chọn nhưng thực tế lại chẳng biết sự lựa chọn nào mới là phù hợp với mình. Thế nên mới có câu “Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”, đừng chọn bừa để rồi chán, để rồi mất chữ tín, vô trách nhiệm.
Trước khi gửi dòng tin nhắn nghỉ việc cho sếp hay quyết định lựa chọn một công việc nào để làm thêm hay làm lâu dài, tôi mong bạn có thể dành thời gian để ngẫm kỹ những điều này:

Thứ nhất, dù đi làm vì kiếm tiền hay để lấy kinh nghiệm thì cũng hãy lựa chọn những công việc phù hợp với bản thân, tìm hiểu kỹ những thứ mình cần phải làm để tiếp cận từ sớm, tránh tâm lý mơ hồ gây ra chán nản. Làm cái gì cũng nên đặt cho mình một mục tiêu ngắn, có thứ để theo đuổi tự khắc bản thân sẽ nỗ lực nhiều hơn.

Thứ hai, đi phỏng vấn, đừng ngại đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng về những trải nghiệm mà họ đã tích lũy được. Việc mà họ trải qua cũng có thể là thứ mà bạn sẽ phải đối mặt. Quyết định tiến sâu vào công việc hay không đều dựa vào việc bạn nghe đánh giá khách quan từ nhiều phía và cân nhắc với năng lực của bản thân mình.

Thứ ba, những ngày đầu làm việc thường sẽ rất áp lực: không theo kịp đồng nghiệp, tiếp nhận quá nhiều kiến thức hay chỉ đơn giản là không quen biết ai khác để tiếp chuyện thì cũng hãy vui vẻ vì nó là điều rất bình thường. Đâu phải ai cũng xuất phát điểm từ con số 9 đi lên đúng không? Gặp khó khăn trong công việc hãy chủ động trao đổi với mentor, làm chưa tốt thì làm lại nhiều lần, đồng nghiệp sinh ra là để hỏi chứ không phải để cho văn phòng kín người.

Và cuối cùng, nếu làm việc trong một môi trường tốt, lương thưởng rõ ràng, sếp tâm lý mà vẫn muốn nhảy việc thì hãy tìm hiểu xem môi trường mới có đáp ứng được mong muốn của bản thân cho những mục tiêu cao hơn hay không, bản thân sẽ học thêm được gì và cần phải cống hiến như thế nào để có được những giá trị đó.

Đừng viết CV thế này nữa, khó tìm việc phù hợp lắm!

BÌNH LUẬN (2)

Tin liên quan