Người sáng lập Vietnam’s Autism Projects Nguyễn Đức Trung: 'Dù ít hay nhiều, người tự kỷ đều có thể làm được những điều có ích cho xã hội'

Người sáng lập Vietnam’s Autism Projects Nguyễn Đức Trung: 'Dù ít hay nhiều, người tự kỷ đều có thể làm được những điều có ích cho xã hội'
Đến với Dự án mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ Việt Nam- Vietnam’s Autism Projects (VAPs) bạn sẽ được tiếp đón bởi những 'nhân viên' vô cùng đặc biệt. Với chuỗi dịch vụ như Nhà hàng VAPs, VAPs Mart, Giặt ủi VAPs, Vietnam’s Autism Projects là nơi dạy nghề, nơi làm việc, là mái nhà của rất nhiều người tự kỉ trong suốt 7 năm qua.
#000
Dự án mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ Việt Nam- Vietnam’s Autism Projects (Ảnh: Page Vietnam’s Autism Project)

Phóng viên (PV): Thưa quý vị và các bạn, tự kỷ là một nhóm những rối loạn phức tạp của phát triển não bộ. Những người bị mắc chứng tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc học tập, giao tiếp. Cơ hội làm việc cho những người tự kỷ luôn là bài toán khó cho các đơn vị tuyển dụng cũng như các doanh nghiệp. Thấu hiểu được những khó khăn này, dự án mô hình kinh tế Vietnam’s Autism Projects đã ra đời. Và hôm nay chúng ta sẽ cùng trò chuyện với “cha đẻ” của dự án ý nghĩa này. Xin được giới thiệu anh Nguyễn Đức Trung - người sáng lập Vietnam’s Autism Projects. Xin chào anh, rất vui vì anh đã nhận lời mời phỏng vấn ngày hôm nay.

Anh Nguyễn Đức Trung: Xin chào các bạn.

PV: Có rất nhiều khán giả thắc mắc là cơ duyên trực tiếp nào đã khiến anh thực hiện dự án này?

Anh Nguyễn Đức Trung: Trải qua rất là nhiều các doanh nghiệp mà tôi làm thì tôi mới ngẫm nghĩ là tôi phải làm một cái điều gì đó cho xã hội và trong khi tìm hiểu thì tôi có duyên với các bạn tự kỷ thông qua báo đài. Lúc đấy tôi mới đặt câu hỏi là tại sao mà các bạn tự kỷ gặp rất là nhiều các khó khăn và tôi nghiên cứu thì tôi mới phát hiện ra là ở Việt Nam các bạn ấy đang gặp rất là nhiều những khó khăn. Khi càng nghiên cứu sâu thì tôi càng quyết tâm là tôi phải triển khai các mô hình kinh tế này cho các bạn.

PV: Thưa anh, làm việc với các bạn trẻ thông thường thì cũng đã khó khăn rồi mà làm việc với những bạn trẻ tự kỷ ấy thì sẽ càng khó khăn hơn thì anh có thể chia sẻ về những khó khăn mà khi làm việc với các bạn tự kỷ được không ạ?

Anh Nguyễn Đức Trung: Làm việc với các bạn tự kỉ thì gặp rất là nhiều khó khăn. Trước tiên là khó khăn đối với góc độ là phụ huynh khi họ chưa có nhiều kiến thức về chứng tự kỷ của con họ. Cái thứ hai là kiến thức về giáo dục của các bạn tự kỷ còn rất là hạn chế, các bạn có những bạn mới học đến cấp một, có bạn cấp hai hoặc cấp ba ấy hoặc là các bạn ấy dừng ngắt quãng theo cái chương trình của giáo dục nên là các bạn bị hụt rất nhiều kiến thức. Đồng thời các bạn có những cái hạn chế trong vấn đề về ngôn ngữ, về giao tiếp hay các bạn chưa hiểu được những cái rủi ro khi tham gia vào lao động hay là vấn đề tương tác với những người xung quanh bên ngoài.

Anh Nguyễn Đức Trung chia sẻ về những khó khăn khi làm việc cùng những bạn tự kỷ (Ảnh: Thanh Hường)

PV: Dạ vâng theo em được biết thì dự án của mình đã triển khai được 7 năm, tức là anh đã làm việc với các bạn tự kỉ trong suốt quãng thời gian đó. Vậy với anh, đâu là “chìa khóa” để anh có thể dẫn dắt được những người tự kỉ trong dự án của mình ạ?

Anh Nguyễn Đức Trung: Trước tiên để làm việc với người tự kỷ thì chúng ta phải cực kỳ là an nhiên. Bởi vì các bạn tự kỉ khi làm việc có thể xảy ra rất nhiều rủi ro như các bạn không tập trung, các bạn có thể xé sách, các bạn nghịch đồ điện tử. Và tôi luôn đặt câu hỏi là tại sao bạn ấy tò mò ? Tại sao bạn ấy lại xé sách? Tại sao bạn ấy không làm được? Và với mỗi trăn trở đó, tôi luôn tìm những giải pháp để hạn chế những cái điều ấy và cũng làm sao để cho các bạn thuận lợi hơn khi tham gia vào lao động.

Cái thứ hai là chúng ta phải có kiến thức về tự kỷ vĩ mô và vi mô. Vĩ mô là chúng ta phải hiểu được giáo dục đặc biệt, hiểu được các bạn tự kỷ, hiểu được các gia đình có con tự kỷ, hiểu được trên thế giới người ta đang làm gì với lĩnh vực đó. Vi mô thì chúng ta làm với bạn nào thì chúng ta phải sâu sắc với bạn ấy. Chúng ta phải thực sự hiểu bạn ấy, như vậy chúng ta mới giúp đỡ được bạn ấy. Nó mang tính chiều sâu và đó là cái mà chúng ta phải rất lưu ý.

Cái thứ ba là khi anh đầu tư một mô hình gì? Mô hình kinh tế gì? Thì anh phải có kiến thức mô hình đó. Ví dụ tôi mở nhà hàng thì tôi phải có kiến thức nhà hàng, có thể tôi không bằng chín mười như các mô hình như bên ngoài thì ít tôi cũng phải là sáu bảy. Vì với cái ngưỡng sáu bảy với một mô hình nhà hàng cho người tự kỷ thì cũng đã là tuyệt vời rồi.

Cái thứ tư là anh phải biết làm kinh tế. Ví dụ cũng như tôi, tôi cũng phải có kiến thức về mặt kinh tế, để làm sao tôi có thể mang khách hàng tới cho các bạn, để các bạn trải nghiệm, các bạn được học tập. Các bạn sai ở đâu thì nhờ chính khách hàng người ta giúp đỡ, cũng như cá nhân tôi, quan sát các bạn để làm sao các bạn ấy có thể sửa sai khi các bạn tham gia vào giao dịch phục vụ khách hàng.

Các nhân sự ở VAPs có thể thành thục các việc làm đồ ăn, pha cafe, xếp bàn ăn,... (Ảnh: Page Vietnam’s Autism Project)

PV:Theo anh, liệu các doanh nghiệp ngoài kia có sẵn sàng nhận người tự kỷ vào làm việc không?

Anh Nguyễn Đức Trung: Đây là một câu hỏi về mặt tương lai. Ở Việt Nam, về người tự kỷ khoảng trong vòng từ mười đến hai mươi năm gần đây thì mọi người bắt đầu mới có sự quan tâm. Bởi vậy theo tôi, để các doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng người tự kỷ thì trước tiên là chúng tôi phải có kết quả, các mô hình kinh tế của chúng tôi thành công, tức là chúng tôi phải là người tiên phong. Từ đó là cơ sở để cho nhiều doanh nghiệp họ có thể nhìn thấy, để họ xây dựng các chương trình nghề nghiệp hay các mô hình phù hợp đối với người tự kỷ khi tham gia vào trong doanh nghiệp của họ.

Các bạn tự kỉ đã tìm được niềm vui trong công việc, tự tin và chủ động trong cuộc sống (Ảnh: Page Vietnam’s Autism Project)

PV: Thưa anh, có một số ý kiến bên ngoài cho rằng khi thuê những người tự kỷ vào làm việc thì là chúng ta đang lợi dụng hình ảnh của họ để thu hút sự quan tâm. Vậy thì anh nghĩ sao về điều này?

Anh Nguyễn Đức Trung: Một câu hỏi rất là hay, tôi xin trả lời như thế này. Nếu bạn nghĩ là chúng ta lợi dụng người tự kỷ khi tham gia vào lao động tức là chúng ta đang nghĩ một điều gì đó rất là tiêu cực. Tại sao chúng ta không nghĩ là chúng ta đang tạo cơ hội cho các bạn để các bạn có công ăn việc làm, các bạn được đóng góp cho xã hội, các bạn làm được cái gì thì các bạn hưởng được cái đó. Còn về cái gọi là lợi dụng thì nó liên quan đến vấn đề về lao động, về luật, về cơ sở pháp lý. Những cái đó thì tôi nghĩ là bất kì một doanh nghiệp nào cũng phải nắm rất rõ trước khi mà tuyển dụng hay thuê người lao động là người tự kỷ khi tham gia vào.

PV: Dạ vâng ạ, rõ ràng là các mô hình kinh tế của Vietnam’s Autism Project đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ của mọi người về người tự kỷ. Vậy thì nếu như được nói một điều với những phụ huynh có con bị tự kỷ thì anh sẽ nói điều gì ạ?

Anh Nguyễn Đức Trung: Tôi nghĩ là chúng ta nên có niềm tin vào các bạn ấy bởi vì mỗi người sinh ra đều có một cái duyên, một số mệnh riêng và dù ít hay nhiều thì họ cũng đều có thể làm được những điều có ích cho xã hội. Vì vậy chúng ta phải có niềm tin vào các bạn, chỉ khi có niềm tin thì chúng ta mới có thể có những hành động giúp đỡ được các bạn.

Cuộc trò chuyện của anh Nguyễn Đức Trung với nhóm phóng viên về Vietnam’s Autism Project (Thực hiện: Thanh Hường – Hương Giang)

PV: Xin cảm ơn anh đã nhận lời tham gia phỏng vấn.

Video cuộc phỏng vấn:

Video phỏng vấn người sáng lập Vietnam’s Autism Projects Nguyễn Đức Trung

Tags: tự kỷ

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan