Nghề thủ công nghìn năm chuyển mình trong “khuôn khổ”

 Nghề thủ công nghìn năm chuyển mình trong “khuôn khổ”

“Chuyển mình là điều cấp thiết, nhưng nếu vượt khỏi khuôn khổ, những sản phẩm đậu bạc nghìn năm có nguy cơ mất đi đặc trưng riêng và bị gắn mác đại trà”, anh Quách Phan Tuấn Anh - một trong hai nghệ nhân cuối cùng của nghề đậu bạc làng Định Công chia sẻ.

Anh Quách Phan Tuấn Anh - một trong hai nghệ nhân cuối cùng của "Làng Bạc" Định Công. Ảnh: Thảo Phương 

1500 năm “kéo chỉ bạc” 

“Lĩnh Yên Thái, Gốm Bát Tràng, Bạc Định Công, Đồng Ngũ Xá” - câu ca nhắc về “tứ trụ tinh hoa” của Thăng Long xưa vẫn được lưu truyền hàng nghìn đời nay, âm thầm nhắc về vị thế của 4 nghề thủ công truyền thống. 

Chiếm vị trí quan trọng trong dòng chảy lịch sử, văn hoá Việt Nam, nghề đậu bạc Định Công có tuổi đời khoảng 1.500 năm với những bước chuyển mình âm thầm nhưng đặc biệt quan trọng.

Một trong những sản phẩm đậu bạc tiêu biểu của nghệ nhân Tuấn Anh. Ảnh: Thảo Phương 

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Nguyên Trưởng khoa Văn hoá Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Đậu bạc tức là kéo những sợi chỉ bạc đã được nung chảy và khéo léo uốn lượn chúng thành những sản phẩm có tính biểu tượng văn hóa. Hầu hết các công đoạn đậu bạc phải làm bằng tay, điều đó góp phần tạo nên những sản phẩm có sức sống, mềm mại, uyển chuyển, giá trị cao”.

Chuyển mình trong “khuôn khổ” 

Trong gian phòng rộng chưa đầy 30m2 của Đền thờ Tổ Nghề Kim hoàn (làng Định Công, Hoàng Mai), anh Quách Phan Tuấn Anh - một trong hai nghệ nhân cuối cùng của Làng Bạc đang cặm cụi hoàn thành những mối hàn cuối cùng của sản phẩm đậu bạc đã được đặt hàng từ trước.

Xưởng bạc của nghệ nhân Tuấn Anh nằm trong Đền thờ Tổ Nghề Kim hoàn. Ảnh: Thảo Phương

Thừa kế nghề từ cha - nghệ nhân Quách Văn Trường, nghệ nhân Tuấn Anh “dệt bạc” từ sớm, đến nay đã có hơn 20 năm tuổi nghề. Lựa chọn đặt xưởng bạc ngay trong Đền thờ Tổ Nghề Kim hoàn, nghệ nhân Tuấn Anh cùng 6 người thợ ngày đêm thiết kế, sáng tạo ra những sản phẩm đắt giá.

Một khi không bán được sản phẩm thì nghề thủ công có tồn tại hàng nghìn năm cũng sẽ bị đào thải. Hiểu được điều đó, nghệ nhân Tuấn Anh và những người thợ lành nghề đã bắt đầu chuyển mình từ nhiều năm trước, theo nhiều cách khác nhau với điểm chung là giữ khuôn khổ nhất định.

Các nghệ nhân trong xưởng bạc đều có tư duy hiện đại trong việc thiết kế, sáng tạo tác phẩm. Ảnh: Thảo Phương 

“Thời gian đầu, khi mọi người còn ít biết đến đậu bạc, cha tôi - nghệ nhân Quách Văn Trường chủ yếu làm quà lưu niệm với sức bán ra rất thấp. Bên cạnh đó, mỗi ngày cũng chỉ làm được vài sản phẩm, và tôi nhận ra rằng nếu cứ như vậy thì sức sống của nghề đậu bạc sẽ bị bào mòn đi rất nhiều.

Đến thời của tôi, khi mà đồ vàng, đồ bạc quá phổ biến, tôi quyết tâm chuyển đậu bạc sang mảng trang sức với tính ứng dụng cao. Với trang sức, người thợ sẽ dễ làm hơn, một tháng có thể làm hàng trăm sản phẩm. Và tất nhiên, khi trang sức đậu bạc được khách hàng sử dụng đủ nhiều, vị thế và danh tiếng của nghề cũng sẽ được nâng cao”, nghệ nhân Tuấn Anh chia sẻ về bước chuyển mình đầu tiên trong nghề. 

Khách hàng xem trang sức tại xưởng đậu bạc. Ảnh: Thảo Phương 

Cũng theo nghệ nhân Tuấn Anh, đi theo mảng trang sức có thể khiến nghề đậu bạc sống dậy nhưng chỉ cần không cẩn thận, những sản phẩm này sẽ bị gắn mác đại trà. Chính vì vậy, nam nghệ nhân và những người thợ trong Đền thờ Tổ Nghề Kim hoàn luôn cố gắng đưa những thiết kế độc đáo, đậm văn hóa Việt vào sản phẩm.

Bên cạnh việc đổi mới sản phẩm đầu ra, nghệ nhân Tuấn Anh còn tiên phong trong việc kết hợp tranh đậu bạc với những vật liệu khác như gốm sứ, đá hay lụa. Từ đó tạo ra một sản phẩm mới mẻ, độc đáo với những hoa văn truyền thống được chạm khắc trên nhiều chất liệu.

Một chiếc hộp được nghệ nhân Tuấn Anh kết hợp giữa những sợi bạc mảnh và khảm đá. Ảnh: Thảo Phương 

PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhận định: “Các sản phẩm thủ công nói chung và chạm bạc nói riêng chủ yếu đi theo hướng mô phỏng những kiến trúc mang tính biểu tượng của Việt Nam như Tháp Rùa, Lăng Bác… điều đó rất dễ khiến du khách nhìn một lần là chán. Đó cũng là lý do các nghệ nhân tại Làng Bạc Định Công đã và đang chuyển mình. Tuy nhiên, bản thân họ cũng biết được rằng đi theo nhu cầu khách hàng rất dễ mắc phải lỗi mất đi tính đặc trưng của sản phẩm đậu bạc, nên chuyển mình trong khuôn khổ rất quan trọng”.

Là người đưa sản phẩm của Làng Bạc Định Công tiếp cận với nhiều người hơn theo hướng làm trang sức và kết hợp nguyên vật liệu, song nghệ nhân Tuấn Anh cho biết đó không phải phương hướng chính của xưởng bạc.

Truyền thống, độc bản vẫn là 2 yếu tố làm nên những sản phẩm của xưởng bạc. Ảnh: Thảo Phương 

“Chúng tôi vẫn luôn đặt yếu tố giữ gìn đặc trưng của sản phẩm đậu bạc lên hàng đầu. Vậy nên, những sản phẩm thể hiện sợi bạc mảnh mai, uyển chuyển vẫn luôn tồn tại và được đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn. Những người thợ làm ra sản phẩm đậu bạc cũng phải có tay nghề tốt, nhiều kinh nghiệm để tạo ra một sản phẩm đạt chuẩn.

Thành phẩm của Làng Bạc Định Công hiện cũng được khai thác theo kiểu tranh truyền thống. Ví dụ như những hình ảnh đặc trưng của Hà Nội và Việt Nam thì sẽ được sử dụng nhiều trong cơ quan nhà nước (Văn phòng Chính phủ với Bộ Ngoại giao). Bên cạnh đó là tranh phong thủy người ta tặng nhau, bởi bạc là nguyên liệu đẹp nên những khách hàng đặt trước sản phẩm không chỉ chú trọng đến thiết kế mà còn là ý nghĩa của tranh đậu bạc mang lại. Từ đó, dòng sản phẩm này có sức sống rất bền bỉ, tính theo hàng trăm, hàng nghìn năm”, nghệ nhân Tuấn Anh chia sẻ.

Nghệ nhân Tuấn Anh khẳng định, nghề thủ công đậu bạc đã có nhiều sự chuyển mình nhưng đều nằm trong khuôn khổ. Ảnh: Thảo Phương 

Nghệ nhân Tuấn Anh nhấn mạnh, dù chuyển mình là điều cấp thiết với tất cả các nghề thủ công, nhưng nếu vượt khỏi khuôn khổ, những sản phẩm như đậu bạc nghìn năm có nguy cơ mất đi đặc trưng riêng và dễ bị gắn mác đại trà.

Không thể mất thế mạnh độc tôn

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, thế mạnh độc tôn của sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung và sản phẩm đậu bạc nói riêng là có thể tạo nên những nét đặc trưng văn hóa bằng tay để người dùng cảm nhận theo thời gian. Tuy nhiên, với sự thay đổi của xu hướng mỹ thuật hiện đại, những nghệ nhân đậu bạc cũng phải thích ứng linh hoạt.

Từ xưa đến nay, các sản phẩm thủ công thường được sản xuất tỉ mỉ với những chi tiết cầu kỳ, giá trị của các sản phẩm cũng nhờ đó mà được nâng lên, bởi nó tỷ lệ thuận với thời gian và công sức mà người thợ bỏ ra.

Trong lịch sử nghệ thuật nói chung cũng như lịch sử phát triển của nghề thủ công nói riêng, những phong cách cầu kỳ từng hấp dẫn con người trong thời gian ngắn. Nhưng, đến hiện tại, hiếm ai lựa chọn một sản phẩm thủ công quá mức cầu kỳ với giá cao.

PGS.TS Pạm Ngọc Trung cho rằng xu hướng mỹ thuật hiện đại tập trung vào sự đơn giản, trái ngược với xu hướng cầu kỳ của thủ công truyền thống. Ảnh: NVCC 

“Trong xã hội hiện đại đang xuất hiện xu hướng nghệ thuật tối giản, đối lập với phong cách cầu kỳ của sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam. Tối giản, tức là họ không đặt nặng vấn đề đầu tư chi tiết, hoa văn quá mức, cũng không phải tối giản là là trình độ kém. Trên hết, tối giản tức là họ vượt qua những cái phong cách cầu kỳ rồi và hiện tại họ đi tìm vẻ đẹp trong sự đơn giản”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói.

Với sự xuất hiện của nhiều phong cách nghệ thuật hiện đại, nghệ nhân Tuấn Anh nhấn mạnh, thiếu thiết kế, nghề thủ công không thể sống. Tuy nhiên, phải thiết kế làm sao cho sản phẩm giữ được giá trị bền vững, chứ không phải chạy theo xu hướng.

Trên thực tế, các sản phẩm đậu bạc "cung không đủ cầu". Ảnh: Thảo Phương 

“Có những cái đơn giản thì đạt giá trị, nhưng có những cái phải thật cầu kỳ, thật tinh xảo thì mới đạt giá trị. Mình đã tồn tại trong cái lĩnh vực của riêng mình thì phải chọn hướng đi đúng đắn. Mình không thể thấy khách hàng thích sự đơn giản thì mình chạy theo hay vì người ta thích cầu kỳ mà làm nhiều sản phẩm cầu kỳ. Hiện tại nghề đậu bạc là có rất ít thợ mà nhu cầu khách hàng lại nhiều, thế nên tôi sẽ không chạy theo số đông mà hướng đến những sản phẩm đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững”, nghệ nhân Tuấn Anh nói.

Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng nghề đậu bạc đang dần bị lãng quên, nghệ nhân Tuấn Anh khẳng định “cung không đủ cầu”. Chính vì vậy những người thợ thủ công hoàn toàn có thể thiết kế sản phẩm theo định hướng giữ nguyên giá trị truyền thống, giữ nguyên những hoa văn, chi tiết thể hiện văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Nghệ nhân Tuấn Anh cho rằng làm nghề thủ công không thể luôn "chiều" theo xu hướng của khách hàng. Ảnh: Thảo Phương 

Ngày 7/7/2022, Chính phủ ban hành Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu chung: “Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn bền vững”.

Để thực hiện mục tiêu ấy, những người thợ thủ công buộc phải thay đổi tư duy thiết kế sản phẩm và cách xác định nhóm khách hàng lớn chứ không đơn thuần là chạy theo xu hướng. Nghề thủ công nói chung và nghề đậu bạc nói riêng chắc chắn phải chuyển mình, nhưng chuyển mình sao cho trong “khuôn khổ”, cho không mất đi đặc trưng riêng mới là điều quan trọng. 

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan