Từ "Mạnh thọt", "Mạnh trâu", "Mạnh Cá Lăng" đến "Công dân tiêu biểu thủ đô". Đó là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của anh Đặng Đình Mạnh.
Sinh ra tại miền quê Thái Bình nghèo khó, anh Đặng Đình Mạnh lại không may mồ côi cha từ bé. Năm 6 tuổi, anh theo mẹ vào miền Nam làm kinh tế mới. Một lần nữa tuổi thơ anh càng thêm trắc trở bởi chống chọi với trận sốt rét dữ dội. Những mũi tiêm liên tiếp khiến chân trái anh bị teo đến 10 phân. Cũng từ đây, cái tên “Mạnh thọt” đi theo anh suốt bao nhiêu năm trời với bao tủi thân và sự tự ti.
Quyết tâm "hồi sinh” cuộc đời
Năm lên 8, anh được ông ngoại đưa trở về Thái Bình với hy vọng mong manh có thể cứu anh khỏi tình trạng thập tử nhất sinh. "Mạnh thọt" bắt đầu lại cuộc sống và quyết tâm học tập, anh không cho phép mình ra khỏi top 3. “Tôi là người học đến ba năm mới qua lớp 1 nhưng lớp nào cũng học xuất sắc có tiếng, đều được bạn bè, thầy cô ghi nhận”, anh nói.
Lý do 3 năm mới qua lớp 1 cũng chính bởi việc di chuyển vào Nam, theo học cùng người dân tộc thiểu số và tình trạng sức khỏe bấy giờ. Anh Mạnh cho biết: “Có nhiều hôm tôi phải quấn chăn lên lớp, đang học tự nhiên lên cơn sốt rét. Thầy cô và bạn bè đều biết”.
Sự ám ảnh của việc bị trêu chọc vì chân teo thọt khiến cho người đàn ông tứ tuần vẫn nhắc lại một cách đầy tủi thân: “Chân bị thậm thọt như thế này, có người trêu, người đánh cũng chẳng biết kêu ai. Gọi ông thì không được vì ông đã cao tuổi. Càng không thể kêu bố mẹ như người ta, vì mình xa bố mẹ từ bé, chẳng hình dung ra bố mẹ mình”.
Cũng chính vì hoàn cảnh kém may mắn ấy đã đưa anh đến một quyết tâm thay đổi. “Ở quê mọi người rất hay kể chuyện ma. Hồi bé tôi sợ ma vô cùng. Nhưng cứ mỗi buổi sáng, tôi đều cố gắng dậy rất sớm, ra bờ ao đu những cành tre, đứng văng chân, chỉ cầu mong cho chân dài ra”.
Ngoài biệt danh “Mạnh thọt”, anh Đặng Đình Mạnh còn có tên gọi khác là Mạnh Trâu. Anh kể: “Ở quê, tôi bảo ông mua cho con trâu đực vì nó rất nghịch để chăn trâu. Tôi thích hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh, lấy cây lau làm cờ, đội nón, cưỡi trâu. Tôi rất thích cưỡi trâu. Phi phải thật nhanh. Có những hôm ngã xuống cả sừng trâu, xuống đường”. Dù trên mang theo nhiều sẹo của một thời cưỡi trâu, bắt chim, bắt chuột song mong muốn của anh chỉ là để học cách vật lộn với cuộc sống.
“Nhiều lúc tôi lùa cho hai con trâu nó đuổi nhau, đánh nhau để đuổi theo hai con trâu. Có hôm giữa trưa tôi chạy trên bờ sông thật nhanh, rồi nhảy ùm xuống sông để tập luyện. Thậm chí là chạy cắm bàn chân trúng con ốc,... Tất cả cũng chỉ mong sao tôi khỏe và chân dài ra”, anh Mạnh nhớ lại.
Kéo chân dài vào buổi sáng sớm và đi chăn trâu vào buổi trưa để không ai thấy mình tập luyện. Bởi với anh Mạnh, đi kèm với lòng quyết tâm vẫn luôn âm ỉ sự tự ti. Theo thời gian, anh dần to lớn ram khỏe trở lại, hai chân chỉ còn chênh lệch 2,5 phân. Một bước ngoặt cuộc đời mở ra khi anh bắt đầu với vai trò vận động viên kể từ năm lớp 5.
Xuất thân từ gia đình không ai có máu thể thao, càng không ai ngờ rằng cậu bé “thọt”, ốm yếu năm nào có thể trở thành một vận động viên. “Cần cù bù thông minh. Thấy người ta tuýt còi là tôi cắm đầu chạy. Ban đầu, tôi ở sau nhưng cứ chạy, cứ chạy và tôi bỏ xa mọi người. Tôi chạy 100m chỉ có hơn 9s. Đã có lúc tôi nhảy lên những 1m68, 1m7”, anh Mạnh hồi tưởng.
Trong suốt nhiều năm học, anh tham gia các giải của trường, của huyện, của khu vực. Chạy khỏe, anh được vào đội bóng đá. Đồng thời, anh còn là đội trưởng đội đánh bóng chuyền trong những năm học cấp 2.
Nói về kỷ niệm đặc biệt một thời thi đấu thể thao, anh Đặng Đình Mạnh chia sẻ: “Năm lớp 8, anh tham gia học đánh nguội để phục vụ cho luyện tập đá bóng. Trước lực thủ ngang bằng với các bạn đồng trang lứa, anh dùng lực đá khiến thầy huấn luyện ngã xuống. Thầy đã vô cùng ngạc nhiên và đồng ý để anh sang võ thuật".
Cũng thời điểm ấy, anh Mạnh đang tập luyện và đánh giải Taekwondo. Sau đó, "Mạnh thọt" ra Quảng Ninh tập Pencak Silat, trở thành vận động viên các giải làng của Pencak Silat.
Câu chuyện đầy cảm động của "Mạnh thọt" tiếp tục khi anh nhớ lại những lời mà một người thầy trong thi giải đấu điền kinh đã từng nói với anh: “Thể thao là quyết liệt sống còn nhưng ngược lại trên đường em vẫn có trái tim nhân đạo. Cách của em rất hoan hỉ, không cay cú”.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, anh Đặng Đình Mạnh tập trung theo học văn hóa. Anh tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Bách Khoa và Đại học Thương mại. Sau một thời gian làm xây dựng, anh Đặng Đình Mạnh phát triển đam mê ẩm thực của bản thân.
Khi đam mê biến thành sứ mệnh
Từ nhỏ, "Mạnh thọt" đã làm bếp cho ông bà, đam mê quan sát và nghe kể về những món ăn truyền thống đã đặt nền móng cho tình yêu ẩm thực của anh. "Tôi tin rằng, ẩm thực nếu được làm tốt sẽ góp phần chặn đứng các bệnh tật cho con người. Nấu ăn tốt, chăm sóc tốt sẽ tạo ra sức khỏe cho mọi người. Văn hóa ẩm thực cũng là một phần không thể thiếu của văn hóa Việt Nam," anh chia sẻ.
Anh cho rằng, bản thân nên đi sâu nghiên cứu về những gì gắn với lịch sử văn hóa, những món ăn mà vua chúa từng dùng. Trong đó, cá lăng của vùng Việt Trì, Phú Thọ thuộc đất kinh vua là một món tiến vua được anh Mạnh lựa chọn đi sâu nghiên cứu.
Năm 2013, Anh Đặng Đình Mạnh đưa cá lăng Việt Trì về Hà Nội và mở Nhà hàng Cá Lăng Việt Trì ĐHM tại Hà Nội. Anh trở thành người đầu tiên giới thiệu những món ăn đặc sắc, cổ điển được chế biến từ loài cá này tới đông đảo người dân thủ đô. Đến nay, hệ thống nhà hàng Cá Lăng Việt Trì của anh đã đổi trên thành hệ thống Nhà Hàng Mạnh Cá Lăng tại Hà Nội.
Anh Mạnh chia sẻ: "Tôi cũng nghiên cứu văn hóa ẩm thực của Việt Nam, Lào, Campuchia và thể hiện văn hóa vùng qua các món ăn. Với cá lăng, tôi tìm lại các cụ cao niên - những người hiểu biết về món đó để lắng nghe và làm lại. Tôi dành nhiều công sức để nghiên cứu về các món ăn truyền thống và kết hợp nông sản vùng miền, không cho ngoại lai bất cứ thứ gì nhằm lưu giữ hương vị dân tộc".
Với tinh thần tìm hiểu và phát triển văn hóa ẩm thực, "Mạnh cá lăng" được tin tưởng phục vụ ẩm thực trong các cuộc dâng hương đền Hùng, những bữa cơm của doanh nhân, chính quyền, thường xuyên xuất hiện trên sóng truyền hình và được mời hướng dẫn ẩm thực trong các chương trình lớn.
Anh "Mạnh cá lăng" nhận được những phản hồi tích cực khi kết hợp đặc sản các vùng miền mang hồn cốt dân tộc, thể hiện văn hóa ẩm thực Việt Nam. Nhiều vị khách đặc biệt trong và ngoài nước cũng tìm đến nhà hàng Mạnh cá lăng để thưởng thức hương vị hấp dẫn.
Với các món ăn từ cá lăng, anh Mạnh được vinh danh tại chương trình "Món ngon tinh hoa - Ẩm thực 3 miền". Năm 2018, anh Đặng Đình Mạnh được GS Hoàng Chương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc gửi lời mời và bổ nhiệm anh làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa ẩm thực dân tộc.
Đặc biệt, năm 2022, anh còn được vinh dự trở thành đầu bếp hướng dẫn cho 70 hoa hậu du lịch thế giới trong phần thi "Tài năng ẩm thực" tại vòng thi chung kết diễn ra ở Việt Nam với món nem cá lăng và cháo cá lăng do anh tự sáng tác. Những nguyên liệu được anh lựa chọn phần lớn là nông sản đặc trưng của các vùng miền để tạo ra hương vị đặc biệt như những món "tiến vua", quảng bá đến khách quốc tế. Với anh, đó cũng là sự thiện nguyện dành cho tổ quốc.
Sự thiện nguyện luôn chảy trong máu
Năm 2020 và 2021 Anh Đặng Đình Mạnh liên tiếp nhận danh hiệu " công dân tiêu biểu Thủ Đô người tốt việc tốt" do anh tham gia tiếp sức hơn 5000 xuất cháo, xuất cơm cho lực lượng y bác sĩ, các chốt đầu tuyến chống dịch của Thủ Đô và tham gia giải cứu nông sản xuất sắc cho Tỉnh Hải Dương trong mùa dịch
Với mong muốn, tinh thần làm những việc hướng thiện nguyện nên năm 2023 anh đã tham gia hợp tác đầu tư xây dựng một căng tin trong khuôn viên Bệnh Viện Giao Thông Vận Tải tại Đống Đa Hà Nội . "Mình mong muốn mang đến một dịch vụ dễ chịu kiểu tây tới đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân, người khách khi tới bệnh viện, để họ giảm bớt được căng thẳng lo âu " - a Mạnh nói. Và một tổ hợp căng tin có không gian thoáng đãng, xinh xắn "rất chill" cùng với những dịch vụ rất thân thiện, hợp lý ngay trong khuôn viên bệnh viện đã được hình thành và đi vào hoạt động.
“Tôi từng phải giấu gia đình, không nói mình đi đâu vì sợ mọi người sốt ruột. Có thời gian tôi rong ruổi suốt, giúp hết việc này đến việc kia, người này đến người kia. Tôi giúp về kinh tế một phần, đôi lúc phải dành thời gian để tư vấn, vỗ về, phân tích cho các bạn. Song tôi cảm thấy vui vì phần lớn trong số họ tôi đều giúp được với kết quả tốt”, anh Mạnh nói.
Anh Đặng Đình Mạnh giãi bày: "Được đến như ngày hôm nay là sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng, xã hội. Con người tôi tạo nên từ sự thiện nguyện, sự đồng cảm của xã hội luôn chảy trong máu. Tôi làm vì cái tâm thiện nguyện".
BÌNH LUẬN (0)