Tại sao con người ăn thịt của động vật ăn cỏ nhiều hơn động vật ăn thịt?

Tại sao con người ăn thịt của động vật ăn cỏ nhiều hơn động vật ăn thịt?
Có 5 lý do giải thích cho câu hỏi này.
Ít người trong chúng ta coi động vật ăn thịt là nguồn thức ăn chính của họ. Với thực lực của con người hiện tại, chưa kể hổ, gấu nâu và thằn lằn khổng lồ, ngay cả khủng long sống lại cũng có thể trở thành đồ ăn đối với con người. Nói vui vậy thôi, để trả lời được vấn đề này, trước tiên chúng ta phải quay ngược thời gian về hơn 2 triệu năm trước.

Hơn hai triệu năm trước, tổ tiên loài người mới từ trên cây xuống. Vào thời điểm đó, châu Phi bắt đầu trở nên khô hạn. Một lượng lớn rừng nguyên sinh bị biến thành đồng cỏ. Điều này khiến cho việc tìm kiếm thức ăn như trái cây và lá tươi trở nên khó khăn hơn.


Vào thời đại xuất hiện Chi Australopithecus (tập hợp các loài người giống vượn hai chân có niên đại từ 4,18 đến khoảng 2 triệu năm trước, là họ hàng gần nhất được biết đến của chi Homo của chúng ta), tổ tiên loài người vẫn chưa hoàn toàn có thể đứng thẳng. Vào thời điểm này, Australopithecus đã cố gắng ăn thịt những loài đầu tiên như côn trùng, thằn lằn và các động vật nhỏ khác.

Đây cũng là thời kỳ mặt đất ở châu Phi xuất hiện các loài động vật hung dữ, to lớn như hổ răng kiếm, sư tử hang, gấu mặt ngắn khổng lồ (gấu Arctodus), chó sói hung dữ cùng các loài động vật ăn thịt khác.

Australopithecus hiển nhiên không thể ăn thịt chúng, bởi vì họ chưa biết cách tiếp cận và săn bắt các loài động vật nguy hiểm này. Một thời gian dài sau, họ bắt đầu ăn thịt, chỉ số thông minh IQ của người vượn cổ đại tăng dần. Theo các nhà khoa học, chính thịt đã khởi đầu cho bước nhảy vọt về trí thông minh của loài người về sau.

Sau hàng trăm nghìn năm, con người đã thành thạo việc sử dụng các công cụ bằng đá và khi đó chúng ta có khả năng lựa chọn đồ ăn. Nhưng đối mặt với dã thú như hổ răng kiếm, sức người vẫn quá nhỏ bé.


Sau khi biết sử dụng công cụ, con người có thể ăn những thứ mà hổ răng kiếm không thể ăn được, chẳng hạn như tủy trong xương bò. Tổ tiên chúng ta có thể dùng đá để đập gãy xương đùi của bò, nhưng răng hổ răng kiếm lại không làm được điều đó.

Sau này, con người học cách sử dụng lửa, phát minh ra giáo và hình thành các bộ lạc, và bắt đầu thống trị thảo nguyên châu Phi rộng lớn. Dã thú như sư tử và sói dữ sẽ chỉ chạy xung quanh khi nhìn thấy con người mà không dám tấn công, vì chúng ta có lửa, có vũ khí thô sơ. Lúc này chúng ta có quyền lựa chọn ăn cái gì.

Vậy tại sao con người ăn thịt động vật ăn cỏ nhiều hơn thịt động vật ăn thịt?

Có 5 lý do để giải thích cho câu hỏi này dọc theo chiều dài lịch sử tiến hóa của loài người:

1/ Lý do trước tiên và quan trọng nhất giải thích cho điều này đó là, trên thảo nguyên có nhiều động vật ăn cỏ hơn động vật ăn thịt, và khả năng con người bắt được động vật ăn cỏ cao hơn động vật ăn thịt.

Hơn nữa, kích thước của động vật ăn cỏ là tương đối lớn, giúp loài người tiết kiệm được nhiều công sức và thời gian. Trọng lượng của một con trâu châu Phi có thể dễ dàng đạt tới hơn tấn, do đó, một con trâu có thể nuôi sống một nhóm nhỏ hơn 50 người trong vài ngày.


Ở châu Âu trong thời đại Homo sapiens (người hiện đại), có một loài người cổ xưa riêng biệt là Neanderthal. Sở thích của họ là bắt voi ma mút. Sau khi bắt được một con voi ma mút, một bộ tộc gồm nhiều gia đình có thể sống sót qua cả mùa đông.

Từ góc độ lợi ích, rõ ràng việc ăn động vật ăn cỏ cao hơn nhiều so với việc ăn động vật ăn thịt.

2/ Lý do thứ hai, liên quan đến năng lượng mà con người nhận được khi tiêu thụ thức ăn. Theo các nhà khoa học, năng lượng của toàn bộ sinh quyển trên Trái đất về cơ bản đều đến từ Mặt trời. Chỉ một số ít vi khuẩn dưới đáy biển có thể sử dụng năng lượng của miệng núi lửa hoặc miệng phun thủy nhiệt.

Năng lượng của Mặt trời giảm dần theo chuỗi thức ăn, bởi vì mỗi cấp độ sinh vật đều tiêu thụ chỉ một phần của Mặt trời.

Để hình dung vấn đề, cần hiểu rằng, trong sinh học, các sinh vật được chia thành "sinh vật sản xuất", "sinh vật tiêu thụ" (bậc 1, bậc 2, bậc 3).

Cỏ là "sinh vật sản xuất" và động vật ăn cỏ là "sinh vật tiêu thụ" bậc 1.


Tuy rằng, Mặt trời là nguồn năng lượng chủ yếu cho sự sống Trái đất NHƯNG ánh sáng Mặt trời phôn bổ không đồng đều trên hành tinh này. Đơn cử, ánh sáng Mặt trời vùng xích đạo mạnh hơn ánh sáng vùng ôn đới; Ánh sáng Mặt trời mùa Đông yếu hơn mùa Hè; Năng lượng Mặt trời còn phụ thuộc vào thành phần tia sáng.

Đối với sinh vật sản xuất, chúng chỉ nhận được những tia sáng nhìn thấy được (tương đương 50% tổng lượng bức xạ từ Mặt trời) cho quá trình quang hợp.

Càng là sinh vật bậc cao (như sinh vật tiêu thụ bậc 2, bậc 3) thì mức năng lượng nhận được từ Mặt trời càng giảm. Do năng lượng bị thất thoát trong quá trình hô hấp, thoát nhiệt...

Mức năng lượng từ Mặt trời giảm dần từ sinh vật sản xuất đến sinh vật tiêu thụ 3 bậc. Nguồn: Vuihoc.vn

Như vậy, trong điều kiện bình thường, tổng năng lượng của sinh vật sản xuất lớn hơn nhiều so với năng lượng của sinh vật tiêu thụ và hầu hết những sinh vật tiêu thụ này đều là động vật ăn thịt (sinh vật tiêu thụ bậc 2, bậc 3).

Vì vậy, nếu con người muốn có đủ năng lượng, cách tốt nhất khi nguồn tài nguyên khan hiếm là ăn carbohydrate, chẳng hạn như gạo và lúa mì, giúp no lâu.

Khi đã có đủ năng lượng, và chuyển sang muốn ăn ngon thì nên ăn thịt của sinh vật tiêu thụ bậc 1. Bò, cừu, ngựa, thỏ, lừa và lợn đều được coi là sinh vật tiêu thụ bậc 1 chính.

3/ Lý do thứ ba, càng ở vị trí cao trong chuỗi thức ăn, động vật càng tích tụ nhiều yếu tố gây hại. Khi tiêu thụ động vật ăn thịt nhiều loài khác, con người chúng ta có thể tiếp xúc với nhiều yếu tố gây hại hơn.

Nếu một người thường xuyên ăn thịt các loài động vật đứng đầu chuỗi sinh học như hổ, gấu nâu, đại bàng, cá sấu… thì thận và gan của người đó sẽ không chịu nổi do tích tụ nhiều yếu tố gây hại cho sức khỏe.

4/ Lý do thứ tư, thịt của các loài động vật ăn thịt thường dai, không ngon và có mùi khó chịu.

Là động vật săn mồi, phần lớn cơ thể của các loài động vật ăn thịt thường dẻo dai, khỏe mạnh. Con vật càng chắc khỏe thì cơ thể chúng càng chứa ít chất béo và có nhiều bó cơ dày. Điều này khiến cho thịt của chúng nhiều nạc và dai. Mà con người, thường không thích thịt quá dai, chắc.

Tiếp theo, do loài động vật ăn thịt tiêu thụ nhiều thịt của các loài khác nên mùi vị của chúng thường không hấp dẫn. Có thể hàm lượng hợp chất trong cơ thể con mồi khiến cho những kẻ ăn chúng có mùi hôi.


Ví dụ, nhiều người thích ăn thịt chim bồ câu (loài chủ yếu ăn hạt, trái cây và thực vật) nhưng thịt chim đại bàng lại không ngon vì có mùi chua, hôi; Hay người từng ăn thịt gấu vào mùa xuân khen ngon hơn thịt gấu mùa đông. Vì mùa xuân, gấu thường ăn quả mọng, còn mùa đông chúng hay ăn các loại thịt khác nhau.

Vẫn có một ngoại lệ cho lý do này. Có một số loài cá (vốn tiêu thụ các loài động vật khác) nhưng có mùi vị không tệ. Do đó, lý do mùi vị không áp dụng với mọi loại động vật ăn thịt.

5/ Lý do cuối cùng là việc nuôi và thuần hóa động vật ăn cỏ dễ dàng hơn, vì động vật ăn cỏ phần lớn dễ thuần chủng và lành hơn động vật ăn thịt. Vì vậy, những loài động vật như trâu, bò, ngựa, cừu, lợn là những loài được tổ tiên chúng ta thuần hóa đầu tiên.

Một trường hợp đặc biệt ở đây là tổ tiên của loài chó, là loài sói, đúng là loài ăn thịt, nhưng loài sói cũng có thể tiêu hóa được một lượng nhỏ tinh bột sau hàng vạn năm sàng lọc. Về sau, khả năng tiêu hóa tinh bột của loài chó tốt hơn nhiều so với sói.

Kể từ khi hòa nhập với con người, chó đã trở thành loài động vật có vú được thuần hóa thành công nhất trên Trái đất. Số lượng và chủng loại của loài chó rất đa dạng trên khắp thế giới.

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan